Trong đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 143 của Chính phủ, các Công điện của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng năm 2024 khoảng trên 7%.
“Đẩy mạnh, tạo đột phá giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; hệ thống đường bộ cao tốc; chuẩn bị đầu tư các dự án đường sắt quan trọng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.
Theo ông Trần Văn Sơn, về đầu tư, Việt Nam cần dồn lực giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tăng trưởng tổng cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số Quốc gia; nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội, gói tín dụng cho vay nhà ở xã hội; tăng cường kết nối các cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục xử lý dứt điểm các vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài, các ngân hàng yếu kém, phương án xử lý đối với Ngân hàng SCB, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 của các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức; khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án nêu trong Đề án 153…
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặc biệt lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp thiết gồm: Ưu tiên cho tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; không để thiếu lương thực, thực phẩm, điện, xăng dầu, nước, thuốc, vật tư y tế, các vật tư đầu vào cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội chuẩn bị kỹ các luật, nghị quyết trình Quốc hội theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính, vừa quản lý được, vừa kiến tạo phát triển, huy động mọi nguồn lực phát triển; hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, triển khai gói tín dụng 140.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội và hưởng ứng phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, trong 9 tháng qua, Chính phủ, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế tiếp tục phục hồi, tăng trưởng tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng; thực hiện được mục tiêu lớn nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, tăng trưởng kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng cao hơn so với kịch bản đã đề ra. Cụ thể: GDP quý I/2024 tăng 5,66%, quý II tăng 6,93%, quý III tăng 7,4%, tính chung 9 tháng tăng 6,82%. Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng tốt; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (lạm phát cơ bản tăng 2,69%).
Về xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4% (khu vực trong nước tăng 20,7%; khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tăng 13,4%); nhập khẩu tăng 17,3%; xuất siêu ước đạt 20,8 tỷ USD.