Sáng 12/8, tại Quảng Ngãi, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng và Đài PTTH Quảng Ngãi đã tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề "Đầu tư và phát triển Khu kinh tế Dung Quất" với ba nội dung chính: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và những vấn đề đặt ra cho môi trường.
Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất Phạm Như Sô cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển Khu Công nghiệp Dung Quất thành Khu kinh tế (KKT) Dung Quất đã tạo ra những bước ngoặt cho sự phát triển của Dung Quất. Về mục tiêu, Chính phủ xác định xây dựng KKT Dung Quất là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở các ngành chủ lực như hóa dầu, hóa chất cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu biển… Mặt khác, đây cũng trở thành một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng. KKT là đầu mối giao thông quan trọng với miền Trung và Tây Nguyên, là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi phát triển và có vai trò quan trọng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng quản lý các Khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Dung Quất không phải là cảng biển duy nhất ở miền Trung, nhưng KKT Dung Quất được đặt rất nhiều kỳ vọng. Bởi Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất nằm trong khu vực trọng điểm miền Trung, có lợi thế rất lớn trong việc xây dựng hệ thống cảng nước sâu. Đây cũng là khu trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước. Cùng KKT mở Chu Lai, Chính phủ quyết định thành lập KKT Dung Quất trên cơ sở chuyển đổi từ khu công nghiệp và dựa trên các yếu tố: Vị trí chiến lược của Dung Quất nằm trong khu vực trọng điểm miền Trung; khả năng hình thành hệ thống cảng biển nước sâu và có nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất.
Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Thời gian qua, KKT Dung Quất đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Từ một tỉnh khó khăn, Quảng Ngãi đã vươn lên thành một trong bảy tỉnh có thu ngân sách cao nhất cả nước. Đặc biệt, ngân sách năm 2010 của tỉnh đã đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005. Những con số này chứng minh chủ trương về xây dựng Khu kinh tế Dung Quất là đúng đắn, đồng thời cho thấy những nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Quảng Ngãi trong quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển KKT Dung Quất. Những kết quả đó đã khẳng định vị thế của KKT Dung Quất. Sự phát triển của KKT Dung Quất đã mở ra sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, trong thời kỳ mới đặc biệt là sự phát triển của các loại hình kinh tế với quy mô lớn hơn, đồng bộ, vững chắc hơn.
Ngoài hiệu quả về kinh tế, KKT Dung Quất còn tác động lớn về mặt xã hội, đó là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo việc làm. Bà Cù Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Cơ cấu lao động của tỉnh thời gian qua đã chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp. Về việc làm, năm 2011, Dung Quất đã giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động, trong đó lao động của Quảng Ngãi chiếm 77,8%. Rõ ràng, KKT Dung Quất phát triển đã tạo cơ hội việc làm cho lao động Quảng Ngãi nói chung và của vùng dự án nói riêng.
Về vấn đề xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa cho biết: Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của một KKT, thì môi trường là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Tỉnh Quảng Ngãi luôn quan tâm đến vấn đề môi trường. Do vậy, khi một công ty, xí nghiệp muốn đầu tư xây dựng tại KKT Dung Quất nói riêng và Quảng Ngãi nói chung, phải trình được những tác động, ảnh hưởng và kế hoạch bảo vệ môi trường, đồng thời sẽ xử lý nghiêm nếu gây ảnh hưởng đến môi trường.
Tại buổi đối thoại, các đồng chí lãnh đạo đã trả lời một số câu hỏi của khán giả xoay quanh vấn đề việc làm cho con em, đời sống của người dân sau tái định cư.
Đinh Thị Hương