Doanh nghiệp và FTA - Bài cuối: Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực phát triển

Việt Nam đang là một trong những quốc gia tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương nhất thế giới; trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn.

Với vai trò là đầu tầu kinh tế của cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động triển khai các nội dung liên quan để tận dụng và phát huy hiệu quả các FTA cũng như thích ứng với những thách thức mà các FTA đặt ra.

Chú thích ảnh
Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (tỉnh Hậu Giang). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Thách thức trong việc tận dụng ưu đãi được các chuyên gia và doanh nghiệp chỉ ra là do các quy tắc xuất xứ quá khó, việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật, doanh nghiệp thiếu thông tin về các cam kết và cách thực hiện. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận năng lực cạnh tranh còn yếu so với đối tác trong các FTA. Số liệu mới nhất mà Bộ Công Thương thống kê được là chỉ có khoảng từ 30 - 40% doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào các thị trường có FTA.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phân tích, việc cắt giảm nhiều dòng thuế và mở cửa thị trường đầu tư và thương mại là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn của thế giới, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Mặc dù tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây đều có bước cải thiện, tiêu biểu như các hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile nhưng vẫn chưa thực sự được khai thác tốt.

Điều này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau cả khách quan và chủ quan; trong đó có nhiều doanh nghiệp chưa nắm rõ nội dung về các FTA cũng như những lợi thế mà việc cắt giảm thuế mang lại. Mặt khác, có doanh nghiệp dù biết nhưng do năng lực sản xuất, cung ứng còn hạn chế nên không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn kỹ thuật để được hưởng ưu đãi.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Giám đốc Công ty cổ phần AA Long An cho biết, giá trị xuất khẩu và tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các FTA trong ngành gỗ đang nghiêng về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm trên 20% tổng số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ nhưng chiếm tới 45% sản lượng xuất khẩu và hầu hết đều tận dụng được tối đa các ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam tham gia.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp FDI xác định rất rõ mục tiêu đầu tư sản xuất tại Việt Nam là để tận dụng các ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam có được từ các FTA. Hơn nữa, doanh nghiệp FDI có lợi thế về quy mô, nguồn lực cũng như hiểu rõ các tiêu chuẩn, đặc trưng riêng về đồ gỗ ở thị trường mà họ xuất khẩu. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ hơn, chưa nắm bắt được thị hiếu của thị trường cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn về mặt kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, trong các thị trường xuất khẩu lớn của Minh phú hiện nay thì Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga là những thị trường đã có FTA với Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu vào 4 thị trường này chiếm khoảng 38,5% tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm của Minh Phú và Tập đoàn này đang tận dụng rất tốt ưu đãi về thuế từ các FTA chung với Việt Nam.

Theo ông Lê Văn Quang, việc cắt giảm thuế quan tác động tích cực tới khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các nước chưa có FTA, từ đó tạo điều kiện  để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhưng để được hưởng ưu đãi thuế cũng không đơn giản.

Trong khi hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ thì nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật bằng cách đặt ra các tiêu chuẩn, kỹ thuật mới với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm của các thị trường lớn là rất cao, điều này khiến doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí để tuân thủ.

Mặt khác, vẫn có những quốc gia tham gia FTA nhưng không thật sự mở cửa cho hàng nhập khẩu. Bên cạnh việc dựng hàng rào kỹ thuật họ còn đưa ra hạn ngạch miễn thuế rất thấp so với nhu cầu thực tế và yêu cầu nhà nhập khẩu phải đấu thầu. Vô hình chung, họ vẫn thu được thuế và doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm nhiều chi phí để tham gia đấu thầu, với đơn hàng ngoài hạn ngạch, doanh nghiệp vẫn phải chịu mức thuế thông thường.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý của Việt Nam khi tham gia đàm phán các FTA tiếp theo cần xem xét tính hợp lý đối với các đối tác đưa ra hạn ngạch miễn thuế và hình thức tham gia thị trường để đảm bảo nguyên tắc tự do hóa thương mại và bảo vệ lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thủy, Giám đốc Công ty Megahome cho rằng, việc tham gia nhiều FTA là tốt nhưng song song đó các cơ quan chức năng cần định hướng sớm cho doanh nghiệp một cách cụ thể bằng việc cung cấp nhu cầu số lượng, chủng loại hàng hóa mà từng thị trường đang cần cũng như cập nhật các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.

“Nếu chỉ đàm phán về mức cắt giảm thuế mà không quan tâm đến việc doanh nghiệp Việt Nam có khả năng đáp ứng được các điều kiện hay có đủ thông tin về thị trường hay không thì các FTA chưa thể mang lại hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp và hoạt động xuất khẩu nói chung”, ông Thủy nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, hội nhập kinh tế quốc tế cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thế giới và ngay cả thị trường trong nước. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt nên lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới và phát triển. Cụ thể cần chủ động trong việc tìm hiểu, nắm bắt, cập nhật thông tin về cam kết, thị trường, đối tác, quy tắc xuất xứ. 

Các chuyên gia cho rằng, đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rất cần tìm hiểu thị trường đối tác trong FTA để sản xuất sản phẩm gì, sản phẩm như thế nào và giá cả bao nhiêu, áp dụng quy tắc xuất xứ ra làm sao… bởi dù thuế suất có thể giảm về 0% nhưng không phải doanh nghiệp Việt Nam muốn sản xuất sản phẩm gì cũng có thể bán được ở thị trường các quốc gia tham gia FTA với Việt Nam. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tận dụng các FTA, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, TP Hồ Chí Minh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài; tiếp tục cụ thể hóa và làm sâu sắc mối quan hệ với các đối tác. Cùng đó, thành phố đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nhằm thu hút nguồn lực phục vụ 7 chương trình đột phá, 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố giai đoạn 2015 – 2020.

Mặt khác, thành phố cũng chủ động tìm kiếm các đối tác tin cậy, các nguồn vốn đầu tư, giới thiệu các thế mạnh và những dự án ưu tiên của thành phố ra bên ngoài. Ngoài ra, nâng cao năng lực hội nhập quốc tế; trong đó triển khai Kế hoạch truyền thông về hội nhập quốc tế trên địa bàn thành phố theo chiều sâu và theo ngành, lĩnh vực để các doanh nghiệp thành phố nắm bắt được những cơ hội do các FTA mang lại, đặc biệt là 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Xuân Anh (TTXVN)
Doanh nghiệp và FTA - Bài 4: Hỗ trợ tối đa việc cấp C/O cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp và FTA - Bài 4: Hỗ trợ tối đa việc cấp C/O cho doanh nghiệp

Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một trong những điều kiện quan trọng nhất giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN