Doanh nghiệp và FTA - Bài 4: Hỗ trợ tối đa việc cấp C/O cho doanh nghiệp

Khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là một trong những điều kiện quan trọng nhất giúp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan.

Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã đơn giản hóa việc cấp C/O nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, không ít doanh nghiệp vẫn mắc lỗi phổ biến khi nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận này.

Chú thích ảnh
Sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty TNHH khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: TTXVN

Đơn giản hóa thủ tục

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, C/O là chứng từ quan trọng giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã tổ chức phân luồng trong thủ tục cấp C/O ưu đãi, giảm thiểu thời gian kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cắt giảm khối lượng và chi phí lưu trữ hồ sơ; chuyển dần từ hình thức tiền kiểm sang hình thức hậu kiểm; giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Song song với việc phân luồng, hoạt động cấp C/O qua internet được thí điểm từ năm 2016 và duy trì cho đến nay. Từ vài chục bộ hồ sơ trong giai đoạn đầu triển khai, đến nay, mỗi năm toàn hệ thống tiếp nhận, xử lý khoảng 1 triệu bộ C/O các loại.

Với mục tiêu giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời thực hiện cam kết từ năm 2015, Bộ Công Thương đã thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

Chính vì vậy, doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN (được cấp C/O mẫu D) năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị tham gia thí điểm và cấp mã số Nhà xuất khẩu đủ điều kiện tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho 10 thương nhân xuất khẩu Việt Nam. Bằng các hoạt động tạo ưu đãi trong cấp C/O, đến nay, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi trong các FTA ngày càng cao.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA năm 2018 đạt 66,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA.

Tính đến hết tháng 5/2019, các tổ chức được ủy quyền đã tăng cường cấp C/O ưu đãi, đặc biệt là C/O trong khối CPTPP với 1.872 bộ hồ sơ được cấp, tổng trị giá đạt khoảng 58,38 triệu USD.

Các bộ C/O chủ yếu được cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang Canada, trị giá đạt khoảng 39,1 triệu USD. Những mặt hàng xuất khẩu được cấp C/O bao gồm: giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thực phẩm chế biến, đồ gỗ… Từ đó, tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu đi các quốc gia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, khi kê khai hồ sơ xin cấp C/O ưu đãi các doanh nghiệp thường xuyên để xảy ra lỗi hoặc nhầm tiêu chí giữa các mẫu C/O với nhau.

Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn lấy tiêu chí xuất xứ của mẫu này áp dụng và khai báo cho mẫu khác nên không thể chứng minh được đầy đủ hiện trạng của lô hàng đang xin cấp C/O ưu đãi.

Các chuyên gia cũng chỉ ra việc khai báo thông tin trên C/O lệch với thông tin trên chứng từ, dẫn đến việc bị từ chối hồ sơ, phải sửa đổi bổ sung... Không những thế, các doanh nghiệp còn thiếu các chứng từ cơ bản như đơn xin cấp, mẫu C/O đã khai; hóa đơn thương mại, tờ khai xuất khẩu, chứng từ vận tải hoặc xin nhiều mặt hàng trên cùng một C/O thường thiếu tờ khai xuất khẩu hay thiếu chứng từ chứng minh tiêu chí xuất xứ.

Hỗ trợ tối đa

Chú thích ảnh
Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu tại Tổ hợp sản xuất và chế biến hoa quả xuất khẩu của Nafoods. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo các chuyên gia thương mại, nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, thời gian qua Bộ Công Thương đã triển khai hình thức khai báo cấp C/O qua internet. Vì thế, doanh nghiệp không cần nộp chứng từ giấy đi kèm như tờ khai Hải quan, hóa đơn, vận đơn, bảng tính hàm lượng xuất xứ như trước mà có thể đính kèm dưới dạng dữ liệu điện tử được ký bằng chữ ký số của doanh nghiệp trên Hệ thống quản lý và cấp giấy chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys) của Bộ Công Thương.

Việc làm này giúp doanh nghiệp không phải in và đóng dấu vào hồ sơ giấy như trước mà chỉ cần nộp đơn xin cấp C/O và form C/O lên Phòng Xuất nhập khẩu khu vực để được xác nhận.

Hơn nữa, khi doanh nghiệp đính kèm chứng từ điện tử lên hệ thống, cán bộ của Bộ Công Thương có thể xem trước hồ sơ và trả kết quả trên hệ thống điện tử.

Sau khi nhận được kết quả phê duyệt, doanh nghiệp mới nộp đơn xin cấp C/O và form C/O để được xác nhận, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Đặc biệt, khi kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN, C/O điện tử sẽ giúp doanh nghiệp thông quan nhanh chóng. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp cần đăng ký tham gia và khai báo thông tin trực tuyến trên trang điện tử cấp C/O trực tuyến của Bộ Công Thương là ecosys.gov.vn; khai báo thông tin chính xác với các chứng từ liên quan cho hồ sơ xin cấp C/O.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định, với việc đẩy mạnh Chính phủ điện tử, đơn giản hóa thủ tục hành chính đang được đẩy mạnh, Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp nên sử dụng cấp C/O qua intenet để tiện cho việc chứng minh xuất xứ có thể phát sinh sau này, vì chứng từ đã được lưu sẵn trên hệ thống.

Bên cạnh đó, đối với các C/O bị lỗi, các doanh nghiệp cần thông báo lại với tổ chức cấp để các tổ chức này thông báo cho đầu mối xuất khẩu tại các nước nhập khẩu.

Để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, tới đây Bộ Công Thương tiếp tục đơn giản, hiện đại hóa hoạt động cấp C/O; đồng thời tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bài cuối: Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực phát triển

Uyên Hương (TTXVN)
Doanh nghiệp và FTA - Bài 3: 'Đòn bẩy' tăng trưởng xuất khẩu dệt may
Doanh nghiệp và FTA - Bài 3: 'Đòn bẩy' tăng trưởng xuất khẩu dệt may

Ngành dệt may xác định tận dụng cơ hội từ các FTA là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN