Ghi nhận tại một số siêu thị, trên các tuyến phố Hai Bà Trưng, Hàng Giấy, Hàng Buồm… bày đầy ắp hàng hoá, với nhiều mức giá khác nhau, từ bình dân đến cao cấp phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Qua khảo sát, các siêu thị, Trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tiện lợi, đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá kích cầu tiêu dùng. Để kích cầu tiêu dùng, ngay từ cuối tháng 12/2023 đến hết ngày 10/2/2024, doanh nghiệp cũng triển khai chương trình “Vui Tết Việt” giảm giá sâu từ 20 - 30% áp dụng với hàng nghìn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác…
Cụ thể Saigon Co.op đã triển khai chương trình "Đến Co.op chở Tết về" bằng các hoạt động giảm giá trực tiếp từ 50-100% cho hàng nghìn sản phẩm. Hệ thống siêu thị MM Mega Market cũng triển khai 3 chương trình mua sắm Tết gồm: Tết ấm no - Giá khỏi lo tập trung giảm giá nhóm mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, muối, dầu ăn…Tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market với nhiều sản phẩm thịt lợn tươi sống giá bán giảm sâu và các chương trình khuyến mãi theo ngày.
Chị Nguyễn Thu Duyên, nhân viên thu ngân tại Big C Lê Trọng Tấn cho biết: Tháng cận Tết, nhu cầu mua sắm tăng khoảng 20-25% so với các tháng trong năm; đơn vị đã xây dựng, lên phương án cung ứng hàng hóa từ 2 - 3 tháng trước Tết.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long cho hay: Đến thời điểm này, lượng khách đến Big C cũng đã tăng và doanh thu tăng khoảng 25% so với cùng kỳ thời điểm tuần trước.
Còn đại diện Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai chương trình kinh doanh phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 từ khá sớm. Tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng; trong đó, đã bao gồm lượng hàng hóa các đơn vị tham gia chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội.
Các sản phẩm mang thương hiệu Hapro do các công ty, đơn vị trực tiếp sản xuất đã có uy tín trên thị trường: gạo Hapro Đồng Tháp; hạt điều rang Hapro; các sản phẩm rượu vang Thăng Long; bộ sản phẩm xúc xích, chân giò hun khói, thịt gà, thịt ba chỉ xông khói; bộ sản phẩm giò lụa, giò bò, giò gà...
Ngoài ra, có bộ sản phẩm kinh doanh theo chương trình khai thác đặc sản vùng miền tại các tỉnh như: bưởi Diễn, miến dong, bún khô, mỳ gạo, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La; bộ sản phẩm đặc sản vùng miền của Yên Bái, Hà Giang…
Cùng với các mặt hàng truyền thống, thời điểm này, thị trường giỏ quà Tết khá sôi động. Tết năm nay, người tiêu dùng hướng vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, giỏ quà Tết bởi sự tiện ích và chú trọng chất lượng.
Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đại lý bán lẻ, cửa hàng bánh kẹo tại Hà Nội, mặt hàng giỏ quà Tết được ưu tiên bố trí, bày bán tại các khu vực dễ nhìn thấy nhất với nhiều mức giá khác nhau, phổ biến từ 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, người tiêu dùng đang tìm đến các mặt hàng hay giỏ quà Tết với mức giá bình dân, nhưng vẫn đảm bảo được mẫu mã, chất lượng.
Các tiểu thương nhận định, những mặt hàng có biến động về giá thường rơi vào những ngày cận Tết, sau ngày lễ ông Công, ông Táo với các nhóm hàng như: thực phẩm tươi sống, trái cây tươi, cau trầu, hoa, hoa cây cảnh...
Chị Trần Hà phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng bày tỏ, năm nào cũng vậy, dù năm nay thì kinh tế khó khăn song tôi vẫn phải mua sắm đầy đủ, làm cả năm có ngày Tết thì cũng phải đầy đủ. Các mặt hàng hiện nay, được bày bán rất nhiều, màu sắc thì đẹp rực rỡ bước chận ra khỏi nhà muốn mua gì cũng có.
Tuy nhiên, do năm nay gia đình chị là kinh tế khó khăn, thu nhập kém nên cũng hạn chế trong việc mua sắm. Chị Nguyễn Thị Hiền ở phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, không chỉ với chị mà rất nhiều người, năm nay công việc rất khó khăn, các khoản thu nhập cũng giảm đi trong khi Tết còn nhiều thứ phải chi tiêu nên năm nay đang tính mua giỏ quà khoảng 500.000 - 700.000 đồng, mọi thứ phải cân đối lại…
Chị Bùi Thị Mai Hoa (Phố Trương Định) chia sẻ, tranh thủ cuối tuần vừa qua, vợ chồng tôi đã đi mua sắm một số đồ Tết như bánh hộp, bia, cành đào. Bây giờ không còn tích trữ nhiều đồ như trước, gia đình cũng chỉ mua một số lượng đủ dùng và ra Tết cần thì mua tiếp. Nhìn chung mẫu mã hàng hóa năm nay cũng như mọi năm, đa dạng, giá thành không tăng cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chủ kinh doanh, thị trường Tết năm nay dường như “vào mùa” muộn hơn và chưa có sự sôi động, sức mua tăng đột biến như các năm trước.
Theo chị Nguyễn Thu Hà, nhân Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, thị trường Tết năm nay trầm lắng hơn những mùa Tết trước. Sức mua thời điểm này đã tăng khoảng 25% so với ngày thường nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ các năm trước.
Bà Phan Thị Minh – chủ cửa hàng đồ dùng gia dụng, đồ điện trang trí trên phố Phùng Hưng chia sẻ, năm ngoái mặc dù còn trong dịch COVID-19 nhưng hàng hóa bán chạy hơn. Năm nay, lượng khách sụt giảm hẳn, bây giờ đã ngoài 20 tháng Chạp nhưng gần như không khí Tết còn khá trầm, trong khi các sản phẩm gia dụng khách hàng thường mua sớm. Từ nay tới Tết, bà Minh hy vọng người dân sẽ mua các loại đèn trang trí nhiều hơn.
Về nguyên nhân sức mua sụt giảm so với các năm trước, nhiều tiểu thương cho rằng, năm nay, tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Ngoài ra, ngày nay, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịp Tết cũng đã bão hòa, người dân không còn mua sắm tích trữ nhiều như trước đây.
Trong khi đó, nhiều tiểu thương cũng nhận định cao điểm của thị trường Tết sẽ là từ sau lễ cúng ông Công, ông Táo (tức ngày 23/12 âm lịch) đến hết tháng Chạp, vì vậy kỳ vọng sức mua sẽ bật tăng vào tuần tới.