Thống kê từ ngày 1/1-20/9/2022, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép 32.925 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 376.173 tỷ đồng, tăng 46,6% về giấy phép. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố có 24.091 doanh nghiệp thành lập, tăng 44,2% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 286.803 tỷ đồng, tăng 10,5%.
Phân theo loại hình kinh tế như khu vực thương mại - dịch vụ cấp phép 26.405 doanh nghiệp; công nghiệp, xây dựng là 6.395 doanh nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản là 125 đơn vị. Còn phân theo loại hình doanh nghiệp thì Công ty trách nhiệm hữu hạn có 28.856 đơn vị; Công ty cổ phần có 3.763 đơn vị; Doanh nghiệp tư nhân 302 đơn vị.
Mặc dù, trở lại môi trường sản xuất, kinh doanh hậu COVID-19 nhiều thách thức như bối cảnh thị trường biến động, sức mua tiêu dùng sụt giảm... nhưng nhiều thương hiệu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã cho thấy sức sống bền bỉ với chiến lược phát triển bền vững. Hơn thế nữa, trong cộng đồng doanh nghiệp thành phố đã có những thương hiệu bứt phá thị trường nội địa và xuất ngoại ra thị trường quốc tế.
Điển hình, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood vừa là một trong những doanh nghiệp Việt được vinh danh “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” và “Thương hiệu truyền cảm hứng” tại lễ trao giải Asia Pacific Enterprise Awards (APEA) 2022 và trở thành doanh nghiệp dinh dưỡng đầu tiên giành chiến thắng kép ở các hạng mục này trong 3 năm liền. Đây là giải thưởng được Enterprise Asia – Tổ chức phi chính phủ hàng đầu châu Á về kinh doanh khởi xướng và bình chọn thường niên tại 14 quốc gia và thị trường trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân có hoạt động kinh doanh nổi bật và có đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Năm 2022, khi các doanh nghiệp khác còn đang loay hoay hồi phục hậu COVID-19 thì Nutifood đã công bố hoàn tất thủ tục đầu tư 51% và nắm quyền chi phối Cawells – Công ty thực phẩm bổ sung uy tín tại Thụy Điển. Thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) này, giúp Nutifood chính thức bước chân vào lĩnh vực mới là thực phẩm bổ sung và trở thành một trong những doanh nghiệp Việt hiếm hoi thành công trong việc đem chuông đi đánh xứ người.
Trước đó, Nutifood cũng là doanh nghiệp “ngược gió xuất ngoại”, khi sở hữu nhà máy sản xuất tại Thụy Điển. Đồng thời, thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển – NNRIS, áp dụng đa dạng nền tảng công nghệ tân tiến để mang tinh hoa dinh dưỡng thế giới về cho người Việt.
Đại diện Ban Lãnh đạo Nutifood, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nutifood cho hay, được sáng lập bởi các y bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, ngay từ những ngày đầu Nutifood đã đặt ra triết lý kinh doanh hoàn toàn khác biệt: “Mỗi sản phẩm làm ra không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà trước hết, phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bức thiết của cộng đồng, góp phần vào sự phát triển toàn diện về thể chất của người Việt Nam”. Trong thời gian tới, sẽ có những thương hiệu dinh dưỡng quốc tế do chính người Việt làm chủ ra đời và cũng sẽ có nhiều sản phẩm của Việt Nam ra thế giới, đây là con đường Nutifood đang theo đuổi, làm giàu cho đất nước và khẳng định giá trị thương hiệu Việt.
Ở góc độ chính quyền địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Bí thư Quận ủy Quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu những tháng đầu năm 2022, thực hiện "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng cùng cùng doanh nghiệp", Đảng bộ và chính quyền Quận 8 đã có tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan quản lý trên địa bàn quận triển khai đa dạng chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và phát huy thương hiệu Việt.
Trên cơ sở này, trong 9 tháng đầu năm 2022, Quận 8 là một trong những địa phương trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực với thu ngân sách Nhà nước trên 1.437 tỷ đồng, đạt 103,85% dự toán và tăng 70% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ tăng 62,41% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28,54% so với cùng kỳ...
Theo ông Võ Ngọc Quốc Thuận, những kết quả kể trên có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý liên ngành trên địa bàn Quận 8. Cùng với đó, Hội Doanh nghiệp Quận 8 cũng thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với chính quyền, liên kết cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng lực lượng chủ lực trên mặt trận kinh tế và hội nhập quốc tế...
Ghi nhận thực tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hầu hết doanh nhân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều giữ vững tinh thần đoàn kết, phát triển bền vững, tạo việc làm tốt cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội. Bước sang giai đoạn hậu COVID-19, các đơn vị này cũng sẽ không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số... nhằm nâng chất thương hiệu Việt.
Đặc biệt, thương hiệu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh được chú trọng xây dựng gắn liền với sản phẩm chất lượng cao, tiêu chuẩn toàn cầu... Doanh nhân và chính quyền địa phương các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng tích cực tham gia hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Liên quan đến chiến lược phát triển doanh nghiệp, thương hiệu Việt, ông Phạm Phú Ngọc Trai, chuyên gia kinh tế, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (Global Integration Business Consultants - GIBC) chia sẻ, nếu động lực lợi ích tạo nên sức mạnh của bàn tay vô hình trong nền kinh tế thị trường, thì thương hiệu của mỗi doanh nghiệp có thể hình dung như những bàn tay hữu hình tạo ra các giá trị gia tăng. Trong đó, vai trò cửa thương hiệu thúc đẩy quyết định của khách hàng, lợi nhuận doanh nghiệp và sự khác biệt mang lại giá trị phát triển bền vững.
Mặt khác, thương hiệu công ty cũng quan trọng như thương hiệu sản phẩm, hay có thể hiểu thương hiệu sản phẩm hưởng lợi trực tiếp từ danh tiếp công ty. Một số loại hình thương hiệu có thể kể đến như thương hiệu tập đoàn, sản phẩm, cá nhân...
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, doanh nghiệp cần có chiến lược thương hiệu gắn liền với chiến lược kinh doanh như thực hiện thương mại và các quyết định thực thi, văn hóa, tiếp thị... để tăng thị phần và doanh thu. Đồng thời, kế hoạch phát triển một thương hiệu có hệ thống phải đáp ứng những mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.
Chiến lược thương hiệu là chuỗi kế hoạch dài hạn để phát triển và thiết lập một thương hiệu thành công và nổi tiếng nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể của công ty. Bên cạnh đó tập hợp trải nghiệm cảm nhận của khách hàng về một thương hiệu nào đó so với thương hiệu khác trong ngành được gọi là bản sắc của thương hiệu.
Kết quả một số khảo sát cũng cho thấy, khách hàng không chỉ mua sản phẩm mà họ còn quan tâm đến yếu tố con người và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, có 94% khách hàng trung thành với thương hiệu thể hiện minh bạch rõ ràng; 13% sẽ chi trả thêm từ 31-51% cho các sản phẩm tạo ra động lực tích cực. Đồng thời, người tiêu dùng ngày càng quan tâm vấn đề về trách nhiệm xã hội của thương hiệu và cách doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Hơn thế nữa, bản sắc thương hiệu là nhân tố quan trọng không thể thiếu đối với Chiến lược thương hiệu và là một phần không tách rời của một chiến lược kinh doanh thành công của doanh nghiệp. Do đó, làm thế nào để xây dựng bản sắc thương hiệu độc đáo cho doanh nghiệp và Tp. Hồ Chí Minh là bài toán đòi hỏi chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp "bắt tay" tìm giải pháp trong thời gian tới.