Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp được cung ứng đầy đủ dịch vụ vật tư để đảm bảo sản xuất ổn định kể cả trong kịch bản phải áp dụng "3 tại chỗ" trong thời gian dài hơn so với áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Linh động điều kiện “3 tại chỗ”
Các doanh nghiệp cho biết hoàn toàn ủng hộ giải pháp quản lý sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố. Tuy nhiên, cần có cách hiểu rộng hơn về điều kiện “3 tại chỗ” trong giới hạn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP Hồ Chí Minh cho biết, theo phản ánh từ một số doanh nghiệp hội viên thì việc đánh giá “đạt” hay “không đạt” điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” giữa các đoàn thẩm định (liên ngành) hiện nay không thống nhất. Có đoàn chỉ cần doanh nghiệp bố trí đủ điều kiện sản xuất, ăn, ở tại chỗ theo yêu cầu giãn cách là được cấp phép nhưng cũng có đoàn yêu cầu ở mức cao hơn như: khu vực ở lại phải có phòng riêng, cách xa khu sản xuất; tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cũng mỗi nơi xác nhận một kiểu.
Theo ông Đỗ Phước Tống, UBND Thành phố và các đơn vị chức năng cần có hướng dẫn cụ thể cho công tác thẩm định các tiêu chí để việc thực thi không bị vênh nhau. Thêm vào đó, cần xác định mức độ đánh giá phù hợp với phương án dã chiến, linh hoạt hơn so với hoạt động sản xuất trong điều kiện bình thường để những doanh nghiệp có ý thức phòng chống dịch tốt và đang có nhu cầu duy trì sản xuất được hoạt động.
Cũng liên quan đến vấn đề thẩm định việc đáp ứng điều kiện sản xuất “3 tại chỗ”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh thông tin, nhiều doanh nghiệp có thể bố trí ở tại chỗ, sản xuất tại chỗ nhưng khó khăn về điều kiện ăn uống tại chỗ, vì sẽ rất khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.
Với những trường hợp như trên, Thành phố nên cho phép doanh nghiệp được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp.
Cách thức thực hiện giống như trước đây Thành phố đã cho phép các đơn vị cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung. Đối với việc tổ chức giao nhận cần đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch như: nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm COVID-19 âm tính và không tiếp xúc trực tiếp.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, nếu được tạo điều kiện này sẽ giúp thêm nhiều doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất mà vẫn đáp ứng yếu tố an toàn về phòng cháy chữa cháy; đồng thời, giảm tải trong việc phục vụ công nhân, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người lao động yên tâm sản xuất.
Riêng với điều kiện thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nêu vấn đề, những doanh nghiệp có đông công nhân thì phải thuê nhiều khách sạn, nhà nghỉ độc lập ở các địa chỉ khác nhau để cho công nhân ở và được quản lý tập trung. Việc đưa đón công nhân từ chỗ ở tập trung đến nơi sản xuất có thể nhiều hơn 2 địa điểm. Vì vậy, khái niệm “1 cung đường - 2 địa điểm” nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn, tức là đưa đón công nhân giữa nhà máy và các khu ở tập trung không được dừng dọc đường.
“Thành phố có thể hỗ trợ điều phối các đội xe bus đang ngừng hoạt động hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp ký hợp đồng với các đơn vị vận chuyển hành khách để bố trí xe thực hiện việc đưa đón công nhân. Các xe được dán logo, giấy phép hoạt động chuyên trách đưa đón công nhân cho từng doanh nghiệp, thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên, lái xe đảm bảo tiêu chí phòng chống dịch”, ông Việt nêu đề xuất.
Liên quan đến vấn đề xét nghiệm COVID-19 cho lao động tham gia sản xuất, cách ly tập trung tại chỗ, hầu hết các doanh nghiệp đều kiến nghị chỉ bắt buộc xét nghiệm 1 lần ngay thời điểm doanh nghiệp bước vào sản xuất “3 tại chỗ”. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc quản lý nhân viên của mình tại địa điểm sản xuất hoặc khu nhà ở tập trung.
Bên cạnh đó, Thành phố nên xem xét hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp như đang áp dụng xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng thời gian qua để giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Đảm bảo hệ sinh thái phục vụ sản xuất
Các yếu tố “tại chỗ” theo chỉ đạo của Thành phố mới chỉ là điều kiện cần nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh nhưng để doanh nghiệp hoạt động được thì yếu tố đủ chính là việc duy trì đồng bộ hệ sinh thái phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ông Đỗ Phước Tống cho rằng, doanh nghiệp đã sắp xếp các điều kiện để được hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ” nhưng nếu không có các đơn vị cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho sản xuất như: năng lượng (điện, nước, xăng dầu, gas), internet, hạ tầng mạng; không có các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm hỗ trợ, nguyên vật liệu, phụ liệu, vật tư, bao bì, đóng gói sản phẩm… thì cũng không thể hoạt động ổn định được.
Do đó, khi đã áp dụng tiêu chuẩn “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” thì không nên giới hạn các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm thiết yếu mà bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu phòng chống dịch đều được hoạt động. Đây cũng là giải pháp để các doanh nghiệp ngành nghề khác không bị “đóng băng” quá lâu, cùng duy trì hoạt động, tạo ra giá trị kinh tế cho thành phố.
Song song đó, các doanh nghiệp đề nghị UBND Thành phố cho phép và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động của văn phòng điều hành công ty với một số lượng nhân viên tối thiểu, không vượt quá 30% số nhân sự thường xuyên. Nhân viên làm việc tại văn phòng điều hành được cấp phép đi lại để thực hiện các hoạt động tài chính, kinh doanh, hành chính thật sự cần thiết do không phải tất các thủ tục này đều có thể thực hiện qua phương thức trực tuyến.
Đối với nhóm nhân viên này, doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm hoặc thuê dịch vụ xét nghiệm COVID-19 thường xuyên (3 ngày/lần) và Thành phố có thể thực hiện kiểm tra đột xuất để giám sát sự tuân thủ của doanh nghiệp.
Liên quan đến việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp đề nghị Thành phố có hướng dẫn thực hiện chi tiết cho các chốt kiểm soát trên địa bàn. Với vai trò hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố thống nhất với các tỉnh, thành cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông vì hiện tại việc mỗi dịa phương áp dụng một điều kiện khác nhau đang gây ách tắc chính cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Chu Tiến Dũng, một vấn đề quan trọng khác cần giải quyết ngay hiện nay chính là việc nhất quán trong chỉ đạo điều hành chống dịch và duy trì sản xuất. Cụ thể, do diễn biến dịch bệnh liên tục thay đổi theo hướng phức tạp, chỉ trong một thời gian ngắn có quá nhiều các văn bản chỉ đạo điều hành của cơ quan quản lý, từ Chính phủ, các bộ, ngành, đến UBND Thành phố, các Sở ngành, các quận huyện, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất … được ban hành và áp dụng đồng thời. Trong đó có những nội dung không nhất quán, chồng chéo lên nhau, đôi lúc mâu thuẫn làm cho doanh nghiệp rất khó khăn và rơi vào tình thế bị rối loạn thông tin.
Vì lý do đó, Hiệp hội đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các cơ quan thuộc Thành phố khi ban hành các văn bản cần có sự thống nhất về nội dung, giúp doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện.
Ngoài ra, Hiệp hội Doanh nghiệp cũng kiến nghị Thành phố tiếp tục dành một số lượng vaccine để điều phối ưu tiên tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp có quy mô người lao động cư trú rộng trên nhiều quận huyện, địa phương để tạo sức đề kháng cho người lao động, cũng chính là “sức đề kháng” cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang bám trụ sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ".