Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã đánh dấu sự đảo chiều của lạm phát và củng cố thêm dự báo lạm phát sẽ chững lại trong quý II. Đáng lưu ý, ngoài nỗ lực của các bộ, ngành, nhiều doanh nghiệp cam kết không tăng giá sản phẩm, hay có động thái mới như không đáp ứng yêu cầu tăng giá sản phẩm của nhà cung cấp. Những yếu tố này cũng có tác động bình ổn giá, góp phần giảm tốc chỉ số giá tiêu dùng tháng 5. Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn TS Vũ Đình Ánh (ảnh), chuyên gia kinh tế, Bộ Tài chính, về vấn đề này.
´Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của một số doanh nghiệp quyết không tăng giá sản phẩm hay một số siêu thị từ chối đáp ứng yêu cầu tăng giá từ các nhà cung cấp hàng hóa, sản phẩm? Những lần trước, khi hàng hóa, sản phẩm tăng giá, dường như gánh nặng kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường giá cả thường rơi vào các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến những tháng đầu năm 2011, trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì có lẽ lần đầu tiên có sự tham gia rất tích cực của không ít các doanh nghiệp Việt Nam, các nhà phân phối hàng hóa. Những cố gắng này cộng với nỗ lực của cơ quan nhà nước, việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt cùng với cố gắng của bản thân của các doanh nghiệp nói chung, hiệu quả kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát sẽ cao hơn rất nhiều.
Người dân TP Hồ Chí Minh mua thực phẩm trong siêu thị bình ổn giá Coopmart. Ảnh: Thế Anh - TTXVN |
Hệ thống phân phối không chỉ đóng vai trò là khâu trung gian, cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng mà họ đã bắt đầu khẳng định quyền lực của mình không chỉ liên quan tới câu chuyện chất lượng sản phẩm, thời gian cung cấp hàng hóa mà còn là chuyện giá cả.
Dự báo tới đây, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ tham gia tích cực hơn vào câu chuyện bình ổn giá và đây sẽ không chỉ còn là nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước như trước đây nữa. Cùng với việc hội nhập kinh tế, hệ thống phân phối của Việt Nam cũng phải được hoàn thiện, tăng khả năng cạnh tranh và tham gia tích cực, hiệu quả hơn rất nhiều vào việc bình ổn giá chung cho cả nền kinh tế. Đây là xu thế tất yếu trong các nền kinh tế phát triển.
´Có thể thấy, những động thái tương tự như thế này của các doanh nghiệp không chỉ làm “lợi” cho thị trường mà còn có tác động rất tích cực tới việc kiềm chế lạm phát?
Cái lợi đầu tiên chính là quy luật lớn nhất trong nền kinh tế thị trường - quy luật cạnh tranh đã được thể hiện rất rõ ràng. Cạnh tranh không chỉ từ phía cung mà cạnh tranh còn từ phía cầu, rõ ràng nhất là mọi người chơi trên thị trường đều có quyền tham gia vào việc quyết định giá. Tôi cho rằng đây là điều rất tốt đối với nền kinh tế thị trường. Câu chuyện thứ hai cũng rất rõ ràng, nếu như trong những tháng đầu năm 2011 mà thiếu phản ứng của của các doanh nghiệp, các nhà phân phối về câu chuyện tăng giá thì chúng ta có thể sẽ lại chứng kiến việc tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa” hay tăng giá vô tội vạ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới sự ổn định của thị trường mà còn làm giảm hiệu quả của các biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điểm thứ ba, tôi cho rằng đây cũng là thử nghiệm rất hay và trên thử nghiệm với quy mô nhỏ với một vài hành động đơn lẻ của một số doanh nghiệp nhưng thông qua đó chúng ta sẽ đánh giá cái được và mất, điều kiện thuận lợi cũng như khó khăn để hoàn thiện thị trường. Đây cũng là mục tiêu mà chúng ta đặt ra trong nghị quyết của các kỳ đại hội về câu chuyện phát triển nền kinh tế thị trường dựa trên quy luật vận động của nền kinh tế thị trường.
´Và động thái này rất cần khuyến khích để tạo thành xu hướng trong tương lai?
Như tôi đã nói, thị trường của chúng ta đang trong quá trình vận động, do đó ngoài “luật chơi” do Nhà nước quy định thì việc khuyến khích, củng cố sức mạnh của những “người chơi” trên thị trường - không chỉ là những doanh nghiệp sản xuất mà cả các doanh nghiệp phân phối lưu thông cần được làm cho tốt. Tuy nhiên, khuyến khích ở đây không chỉ là bằng những lời nói, tuyên truyền mà cơ quan quản lý nhà nước cần phải dựng lên những khung thể chế, chính sách để những trường hợp như thế không chỉ là đơn lẻ mà được mở rộng ra để tạo lập nên một cơ chế thị trường được vận hành thông suốt.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Huyền (thực hiện)