Sản xuất may mặc tại Công ty TNHH MLB Tenergy, huyện Yên Thành, Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN |
Mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đã được Chính phủ đặt ra nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Nếu chỉ đơn thuần "chạy" theo số lượng thì mục tiêu trên là khả thi, nhưng điều quan trọng là tỉ lệ doanh nghiệp hoạt động ổn định sau khi thành lập.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp “giã từ” thị trường là 27.400 doanh nghiệp, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này đặt ra nghi ngại về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trước bối cảnh đó, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong đợi những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, trong đó đáng chú ý là Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV vào ngày 12/6 tới đây.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Trước hết, chúng ta cần xác định đâu là Luật khung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đưa ra những chính sách cơ bản để đảm bảo tính lâu dài của Luật. Chúng tôi cố gắng đưa những gì cụ thể nhất, đột phá trong Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa và có tính toán đến tính khả thi của Luật”.
“Nếu Luật được Quốc hội thông qua lần này, đây là món quà quý dành cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Thứ trưởng Đông cũng chỉ ra, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã xác định được phạm vi hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ. Theo đó, sẽ hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà doanh nghiệp nào cũng cần và tập trung hỗ trợ cho số đông, số lớn doanh nghiệp. Theo đó, các nội dung hỗ trợ đảm bảo định hướng doanh nghiệp phát triển theo chủ trương phát triển của Chính phủ cũng như của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Cụ thể, gồm có 3 chương trình: đó là hỗ trợ doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ gia đình; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, kiến tạo; hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định, đây là Luật rất cần thiết cho quá trình phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây là một dự thảo Luật khó bởi Luật được ban hành nhằm hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, các hệ thống luật về kinh tế ở Việt Nam có khá nhiều như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ và trong nhiều lĩnh vực khác liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa… “Vậy Luật này sẽ được ban hành như thế nào để vừa có hỗ trợ đặc thù, riêng biệt đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời phù hợp với hệ thống pháp luật”, ông Phúc băn khoăn.
Đánh giá về tình hình doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường… Do đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn có một bộ luật có thể giải quyết tất cả những khó khăn của doanh nghiệp.
Khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, Tổng thư ký Tô Hoài Nam kỳ vọng việc tổ chức triển khai cần phải rất nhanh, đặc biệt ở các địa phương trong cả nước. “Luật này sẽ thu hút được nguồn lực trong xã hội, ngoài nguồn lực từ ngân sách. Đây sẽ là nguồn lực rất lớn và tiềm năng”, ông Nam cho biết.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định, Ban soạn thảo quán triệt tư tưởng khi xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là phải xuất phát từ nhu cầu của đối tượng phục vụ là doanh nghiệp nhỏ và vừa như: vốn, các chính sách thuế, đất đai, nguồn nhân lực... cũng như phân tích những điểm yếu kém của doanh nghiệp để hỗ trợ họ phát triển.