Doanh nghiệp "ngủ đông" chờ hết dịch bệnh
Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hay "ngủ đông" chờ hết dịch COVID-19. Trong khi tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay đã cắt giảm nhân sự, tất cả nhân viên được khuyến khích làm việc trực tuyến ở nhà...
Công ty du lịch Vietravel cho biết, đơn vị đã phải chấp nhận đóng cửa các chi nhánh, phòng giao dịch ở một số địa phương và cho khoảng 200 nhân viên nghỉ làm tạm thời. Trong khi đó, những nhân sự chủ chốt được chuyển về làm việc tại trụ sở chính để giảm bớt chi phí thuê mặt bằng, giao dịch...
Tương tự, Công ty TST Tourist cũng đã đóng tất cả các tour du lịch nội địa đến hết tháng 4, các tour quốc tế cũng tạm dừng vì phụ thuộc vào dịch vụ vận chuyển hàng không chưa được mở cửa lại.
"Từ giữa tháng ba, công ty cũng đã chính thức "bật chế độ ngủ đông đặc biệt" trong công ty. Theo đó, tất cả đội ngũ lãnh đạo sẽ tập trung tại công ty để xử lý nhanh công việc về đào tạo, tập huấn nội dung về các điểm đến, đường tour chuẩn bị tinh thần khi có thể hoạt động trở lại một cách nhanh nhất. Tất cả nhân viên còn lại sẽ làm việc ở nhà, khi cần điều động làm việc thì luôn trong tư thế sẵn sàng", đại diện Công ty TST Tourist nói.
Nhiều doanh nghiệp có đông công nhân cũng đang hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Da giày TP Hồ Chí Minh, cho biết ngành da giày có hàng ngàn công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp và đặc thù của ngành này là làm gia công đến 80%; trong khi đó, nguyên liệu dự trữ đến nay đã cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được đến hết tháng 3, qua tháng 4 phải dừng hoạt động. Ngoài ra, thị trường đầu ra cho sản phẩm da giày là châu Âu, đến nay nhiều nước đã đóng cửa, nên doanh nghiệp trong ngành đang lâm vào tình trạng khó chồng khó.
Giảm lãi suất cho vay
Để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong mùa dịch bệnh COVID-19, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã thống kê và rà soát được 31 doanh nghiệp lữ hành và khách sạn bị thiệt hại do dịch bệnh, có nhu cầu vay vốn. Vì vậy, Sở cũng đã có đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Hồ Chí Minh ban hành thông báo hướng dẫn các ngân hàng về hình thức cho vay, lãi suất cho vay, ngành nghề được vay, trong đó có ngành du lịch; đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, giảm lãi suất cho doanh nghiệp du lịch nộp chậm nợ gốc trong khoảng thời gian 12-24 tháng và không rơi vào nhóm nợ xấu.
Ngoài ra, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị ngân hàng có thể cho doanh nghiệp vay dựa trên tiền ký quỹ của doanh nghiệp (lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, lữ hành quốc tế đưa khách quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng, lữ hành quốc tế đưa khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng) hoặc gửi công văn cho Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh để nắm bắt tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong những năm gần đây để quyết định khoản vay cho phù hợp.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, vừa qua, Hội đã phát phiếu thăm dò tới 100 doanh nghiệp. "Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có rất nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (số nhiều) thì họ cần sự hỗ trợ rất nhiều từ lãi suất, giãn, giảm thuế, đến kết nối doanh nghiệp và ngân hàng… Cụ thể, khi dịch bệnh diễn ra, dù Hội muốn giúp doanh nghiệp tổ chức các đợt xúc tiến trong nước và nước ngoài để kết nối nhưng cũng không tổ chức được do dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở các nước", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.
Bà Vũ Kim Hạnh cũng bày tỏ, Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng rất lớn cho doanh nghiệp chịu tác động của dịch bệnh COVID-19 nhưng khi doanh nghiệp cần thì không biết gói này ở đâu; hoặc hỏi chỗ này, chỉ chỗ kia...
Ông Bùi Anh Sơn, Phó Chủ tịch Hội cơ khí - điện TP Hồ Chí Minh cũng nêu ý kiến, các cơ quan chức năng của thành phố nên có những tham mưu để tránh tình trạng hỗ trợ nhỏ lẻ không hiệu quả. Cụ thể, để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng áp dụng giảm lãi suất trần từ 5% xuống còn 4,75%, tức là giảm 0,25%, mức này không nhiều và sẽ không tác dụng đối với doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng, thậm chí đang bên bờ vực phá sản. Do vậy, trong quý 1 và 2, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán giảm lãi suất trần ít nhất là 1% thì mới có ý nghĩa cho các doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh hiện nay.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch COVID-19 do Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến làm tổ trưởng. Thành viên tổ công tác gồm lãnh đạo các sở ngành thành phố, đại diện UBND 24 quận, huyện.
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu UBND thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động trong tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố. Vì vậy, doanh nghiệp thành phố nào đang gặp khó khăn và cần hỗ trợ để giảm tác động của dịch bệnh COVID-19 có thể gửi kiến nghị tới Tổ công tác này để được hỗ trợ kịp thời.