Doanh nghiệp mong hải quan tiếp tục đơn giản hóa kiểm tra chuyên ngành

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành Hải quan phối hợp các ngành khác có liên quan tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, tuân thủ pháp luật hải quan. “Sự đồng hành của ngành Hải quan sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phục hồi và bứt phá trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cán bộ Chi cục Hải Quan Hòn Gai giám sát trực tuyến hàng hóa qua cảng Cái Lân (Hạ Long). Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Theo ông Hoàng Quang Phòng, ngành Hải quan cần đơn giản tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; phối hợp với các ngành khác trong việc tập huấn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực nghiệp vụ và tính tuân thủ các quy định hải quan. 

"Trước đây, có chủ doanh nghiệp tâm sự, có lúc không biết bị lực lượng chức năng hải quan xử phạt do vi phạm lỗi gì? Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã rõ ràng. Sự tương tác giữa hải quan - doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong công tác ‘gác cửa’ của dòng chảy thương mại, bảo đảm sự thông quan tốt hơn cho hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và hàng hóa phục vụ sản xuất được nhập khẩu về Việt Nam. Sự tương tác giữa hải quan và doanh nghiệp giúp doanh nghiệp hiểu đúng và thấy được những điểm nghẽn của mình đang ở đâu để bổ sung, chỉnh sửa khắc phục. Ngành hải quan đã coi doanh nghiệp là một đối tác cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ”, đại diện VCCI cho biết. 

Phó Tổng cục trưởng Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết: Tổng cục Hải quan đã giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 với 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý tỷ lệ tờ khai luồng đỏ giảm 5%, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022...

Dựa trên số liệu tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022, lực lượng chức năng giảm được 5% tỷ lệ tờ khai luồng đỏ sẽ giảm tương ứng khoảng 31.000 tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa, qua đó, giảm gần 20.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. 

"Nếu giảm 10% tỷ lệ lô hàng luồng vàng sẽ giảm đến 440.000 bộ hồ sơ hải quan phải kiểm tra hải quan và giảm gần 100.000 giờ công lao động cho công chức hải quan. Rõ ràng, điều này sẽ mang lại lợi ích lớn cho cơ quan quản lý và cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu", ông Hoàng Việt Cường cho biết.

Để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý chuyên ngành theo hướng cải cách toàn diện hoạt động này. Tổng cục đã làm việc với từng đơn vị chuyên môn của các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải để rà soát, chỉnh sửa nội dung Nghị định nhằm đảm bảo phù hợp với các Luật chuyên ngành, tính khả thi, đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm thời gian, chi phí, thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan hải quan chủ động rà soát các quy định pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tập hợp để kiến nghị các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc có ý kiến để kịp thời hướng dẫn các cục hải quan và doanh nghiệp thực hiện thống nhất; đã tổ chức Hội nghị rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu của Bộ Y tế theo Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam 2022. Theo ngành Hải quan, các danh mục thuộc chuyên ngành Bộ Y tế là những danh mục mang tính chất chuyên môn cao, rất phức tạp với 3.500 dòng hàng.

Tin, clip: Huy Cường/Báo Tin tức
Có thêm nhiều doanh nghiệp được nâng hạng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan
Có thêm nhiều doanh nghiệp được nâng hạng mức độ tuân thủ pháp luật hải quan

Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), ông Nguyễn Nhất Kha cho biết: Qua giai đoạn đầu triển khai “Thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan”, đã có 70 doanh nghiệp trong tổng số 213 doanh nghiệp tham gia - được nâng hạng mức độ tuân thủ, từ mức 3, 4 lên mức độ 2 (tuân thủ cao).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN