Doanh nghiệp may mặc tìm 'đầu ra' cho sản phẩm sau vụ Big C dừng nhập hàng

Hiện nay, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đang tìm đầu ra mới cho sản phẩm, sau vụ việc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đột ngột gửi thông báo tạm ngưng nhập hàng may mặc của Việt Nam từ đầu tháng 7.

 

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng thích mua sắm quần áo tại Big C do hàng hóa giá rẻ, đa dạng và sản xuất trong nước.

Một chủ cơ sở may mặc quần áo tại quận Tân Bình cho biết, việc Big C đột ngột ngưng hợp tác đã gây ra nhiều thiệt hại nhiều cho cơ sở. Bởi đa số nguyên phụ liệu đã được cơ sở nhập về từ trước để sản xuất hàng riêng cho hệ thống siêu thị Big C, nhân công cũng đang làm việc bình thường. Khi hệ thống Big C Việt Nam ngưng nhập hàng sẽ khiến hàng hóa bị tồn kho, ùn ứ và đẩy số lao động này rơi vào cảnh thất nghiệp.

“Để giải quyết tình trạng trên, trước mắt, cơ sở cũng đã liên hệ được với những đối tác quen thuộc nhờ họ giải quyết một số đơn hàng đang tồn kho mà hệ thống Big C Việt Nam thông báo ngừng nhập hàng. Về lâu dài, cơ sở cũng đang đi tìm thêm nhiều các đối tác mới để kí kết làm ăn lâu dài, chứ không chỉ trông chờ vào một hệ thống siêu thị Big C Việt Nam như trước”, vị đại diện cơ sở này cho biết thêm.

Đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã nắm được thông tin của các doanh nghiệp may mặc gửi tới vào chiều 3/7 và cũng đã nắm thông tin từ Tập đoàn Central Group vào ngày 4/7. Theo đó, Tập đoàn Central Group đang có quan hệ đối tác với 200 doanh nghiệp may mặc Việt Nam, trong hôm nay (4/7), Big C mở lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung ứng. Trong 2 tuần tới, Central Group sẽ mở tiếp đối với 100 nhà cung ứng. Đối với 50 nhà cung ứng còn lại, Tập đoàn này sẽ làm kỹ hơn vì các nhà cung ứng này chưa đáp ứng được các quy định trong hợp đồng đã ký kết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sau khi nhận được thông tin việc Big C ngưng nhập hàng của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, Hội đã tổng hợp các ý kiến kiến nghị gửi lên Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh để hỗ trợ doanh nghiệp may mặc. Tuy nhiên,  chỉ có một số doanh nghiệp may mặc trong Hội có ký kết hợp tác với Big C, số còn lại đa số là các chủ cơ sở may mặc nhỏ lẻ có thương hiệu "made in quận Tân Bình". Những cơ sở này có hợp đồng ký kết với Big C thường từ 6 tháng đến 1 năm. Đây là những cơ sở may mặc nhỏ lẻ và có cam kết chất lượng, tiêu chí hàng hóa riêng với Big C. Do đó, họ bị phụ thuộc quá nhiều vào nhà phân phối này. Một khi bị phụ thuộc quá nhiều vào đối tác, thì việc đối tác thông báo ngưng nhập hàng chắc chắn khiến các doanh nghiệp nhỏ lẻ này “trở tay không kịp”.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần có những quy chuẩn chất lượng đạt chuẩn chung để hàng hóa có thể bán được cho nhiều nhà phân phối.

“Sau vụ việc này, các cơ sở may mặc nhỏ lẻ Việt Nam cần rút kinh nghiệm để có định hướng đầu tư hoặc có chiến lược kinh doanh dài hạn hơn, cần đăng kí đầy đủ các tiêu chuẩn, chất lượng để hàng hóa có thể xuất khẩu hoặc bán cho bất kỳ các đối tác nào khi đối tác chính không nhập hàng. Đặc biệt cần tìm đến các đối tác uy tín và có thời hạn hợp đồng dài hạn hơn, với các điều khoản chặt chẽ hơn. Ngoài ra, các cơ sở may mặc nhỏ lẻ cũng cần tính toán những chuyện không may xảy ra để có phương án dự phòng khi có hàng tồn kho vì thiếu đầu ra”, ông Hồng cho biết thêm.

Trước đó, vào tối 2/7, trong thông báo gửi tới các đối tác cung cấp hàng may mặc trong hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C) đã nêu: “Kể từ tháng 7/2019, Central Group Việt Nam tạm ngừng đặt hàng của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa hai bên”.

Trong chiều 3/7, đại diện hệ thống siêu thị Big C Việt Nam cũng cho biết, việc tạm ngừng nhập hàng là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central Group Thái Lan và cũng khẳng định việc tạm ngừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Theo lý giải của đại diện Big C Việt Nam, hệ thống bán lẻ này đang phát triển các thương hiệu mới, trong đó có ngành hàng may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng từ các nhà cung cấp Việt Nam. Hiện Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng.

Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da dày, túi xách TP Hồ Chí Minh cho biết, những doanh nghiệp đang hợp tác với Big C mà đột nhiên bị cắt ngang hợp đồng, thì chắc chắn bị ảnh hưởng. Bởi cắt hợp đồng đồng nghĩa không sản xuất, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, thậm chí gây tâm lý hoang mang cho người lao động. Phía doanh nghiệp sản xuất cũng sẽ bị ảnh hưởng về doanh thu, hàng hóa ùn ứ, tồn kho bởi nguồn nguyên liệu mua để làm hàng cho Big C trước đó đã được doanh nghiệp nhập về.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Big C sẽ sớm nhận trở lại hàng may mặc Việt
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Big C sẽ sớm nhận trở lại hàng may mặc Việt

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã giải đáp các câu hỏi xung quanh thông tin Big C dừng thu mua hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN