Doanh nghiệp lữ hành TP Hồ Chí Minh ứng phó với dịch COVID-19 đợt mới

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến hàng loạt tour du lịch đã bị huỷ, nhiều doanh nghiệp lữ hành gặp khó khăn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh vẫn tích cực hỗ trợ khách hàng hủy, hoãn đổi tour vì mục tiêu đảm bảo an toàn cho hành khách là trên hết.

Hủy tour hàng loạt

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cho biết khi thông tin Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm dịch COVID-19 đầu tiên, tất cả hành khách TP Hồ Chí Minh đặt tour du lịch đi Đà Nẵng đều đồng loạt hủy tour, đồng thời các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh cũng ngừng tổ chức đưa khách đến Đà Nẵng từ 12 giờ ngày 26/7. Điều này thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành bởi hầu hết các dịch vụ, chương trình du lịch từ 26/7 đến 1/8 đều đã thanh toán 100% cho đối tác tại điểm đến. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả phí cho hành khách hủy tour.

Chú thích ảnh
Vừa nghỉ hè, du khách TP Hồ Chí Minh đã chọn các bãi biển miền Trung để cho con cái đi du lịch, vui chơi sau thời gian học hành căng thẳng.

“Không chỉ hủy tour đi Đà Nẵng, nhiều đoàn khách tại TP Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu hủy hàng loạt tour đi các điểm đến Vũng Tàu, Phú Quốc, Nha Trang... dù các điểm đến này không nằm trong vùng dịch. Đa số khách hủy tour là khách đoàn và chương trình đã đăng ký tour nằm trong tháng 7, 8, 9. Đây còn gọi là hiệu ứng domino và đang gây tác động rất lớn đến các doanh nghiệp lữ hành thành phố”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.

Là đơn vị có lượng khách đoàn hủy tour nhiều nhất, bà Đoàn Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc truyền thông của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, cho biết từ ngày 26/7, có khoảng 3.000 khách đăng kí đi Đà Nẵng của đơn vị phải chuyển tour và hủy tour. Tính các điểm du lịch khác trong nước, tính đến nay công ty đã có hơn 10.000 chương trình du lịch bị huỷ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng truyền thông Maketting Công ty TST Tourist, các tour liên quan đến Đà Nẵng có lịch khởi hành từ 25/7 tại TST đã ngưng toàn bộ với gần 1.000 chỗ bị hủy và đổi điểm đến. Những điểm đến được hướng đến cho du khách bao gồm Đà Lạt, Phan Thiết, Phú Quốc và các tour miền Tây Nam Bộ. Khi đưa khách đi du lịch, công ty cũng thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, kiểm tra thông tin các điểm đến an toàn để tổ chức tour cho du khách. Những điểm đến có xuất hiện các ca bệnh mới, đơn vị cũng khuyến cáo và đổi tour cho du khách đến các điểm đến an toàn hơn. 

Tương tự, công ty Vietravel trong 2 ngày 26 và 27/7 đã bị hủy 20.970 chương trình du lịch đi Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác, tổng doanh thu thiệt hại dự kiến 88,6 tỉ đồng. Các doanh nghiệp khác cũng hủy tour hàng loạt như công ty Lữ hành Fiditour, công ty du lịch Hòa Bình, công ty Đất Việt… với khoảng 5.000 chương trình du lịch bị huỷ vì tác động của dịch COVID-19.

Doanh nghiệp lao đao

Nhận định về tình hình của thị trường du lịch hiện nay, đa số các doanh nghiệp lữ hành lớn tại TP Hồ Chí Minh cho biết dịch bệnh diễn biến khó lường tại các tỉnh, đã và đang tác động mạnh đến thị trường du lịch trong nước. Cụ thể, trong đợt dịch mới này đã khiến không ít doanh nghiệp lữ hành rơi vào cảnh lao đao, thậm chí sẽ phải phá sản vì đã bỏ khá nhiều chi phí cho việc kích cầu du lịch trong thời gian qua. Có thể thấy ba ngày qua, lượng khách đặt tour đang sụt giảm mạnh tới 50-70%. Chưa kể, các doanh nghiệp đang phải “chật vật” xử lý các trường hợp khách hàng hủy tour đến Đà Nẵng và một số tỉnh thành khác vì tâm lý  lo ngại dịch bệnh lây lan. 

Chú thích ảnh
Các điểm đến an toàn trong nước chưa xuất hiện ca bệnh COVID vẫn được du khách cân nhắc đặt tour trong dịp hè.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang, cho biết hiện nay, các công ty du lịch nói chung đều chưa thể thống kê thiệt hại nhưng mức thiệt hại lần này sẽ không nhỏ so với lần dịch bệnh đầu tiên xuất hiện. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp lữ hành đang lo cố gắng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng khi muốn hủy tour và đổi tour. Việc này được các đơn vị lữ hành cố gắng giải quyết trong khả năng có thể nhất để đảm bảo quyền lợi cho du khách.

Còn theo ông Nguyễn Minh Mẫn, do đợt dịch mới này tiến triển khá nhanh nên đơn vị không kịp "trở tay", hiện đang phải đau đầu giải quyết hậu quả khi khách đòi hoàn tiền tour, còn các khách sạn và dịch vụ đã đặt chỗ trước đó đòi phạt vì hủy hợp đồng; ngành hàng không thì bảo lưu tiền, sử dụng trừ cho các đoàn khách sau mà không hoàn trả cho khách… Những điều này đang gây ra khó khăn cho các công ty lữ hành khi ngành du lịch vừa mới bắt đầu hồi phục và triển khai các tour du lịch hè.

Tuy nhiên, ông Từ Quý Thành, nhìn nhận mặc dù hủy tour sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp nhưng vì sự an toàn của du khách, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện bởi an toàn của du khách luôn được đơn vị lữ hành đặt lên hàng đầu. Đối với khách hàng đến hủy tour hay dời tour tại văn phòng, đơn vị cũng thực hiện nghiêm việc giãn cách lẫn nhau và đo nhiệt độ, phát khẩu trang, trang bị nước sát khuẩn cho nhân viên lẫn khách hành khi giao dịch.

Trong khi đó, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông công ty Lữ hành Fiditour, cho rằng để ứng phó với dịch bệnh, lúc này các chương trình kích cầu và tiếp thị điểm đến an toàn vẫn rất cần cho các doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp lữ hành cũng đều có những nỗ lực và phương án thích ứng lẫn khôi phục lại thị trường riêng của mình trong tình hình dịch bệnh mới.

Chú thích ảnh
Các tỉnh miền Tây sông nước đang được các du khách TP Hồ Chí Minh hướng đến trong tình hình dịch bệnh mới.

“Đối với riêng công ty, chúng tôi liên tục cập nhật thông tin, khảo sát và chọn lọc những điểm đến, dịch vụ an toàn cho du khách khi tư vấn khách mua tour dịp này. Ngoài ra, công ty cũng đưa ra những sản phẩm du lịch phù hợp với thị trường như: giá tốt, điểm đến không di chuyển quá xa, thời gian tham quan 1-3 ngày và đặc biệt chưa xuất hiện ca bệnh mới tại cộng đồng”, bà Trần Thị Bảo Thu nói.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, để ứng phó với tình hình dịch bệnh mới, hiện nay Sở đã đề nghị các đơn vị kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú rà soát danh sách du khách đang lưu trú, cung cấp thông tin người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1/7 nhằm yêu cầu khai báo y tế, cách ly tại nhà theo dõi sức khoẻ, đồng thời thông báo ngay cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố để điều tra dịch tễ, xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2. Sở cũng đã có văn bản gửi đến các doanh nghiệp lữ hành kêu gọi doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc triển khai Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong thực hiện phòng chống dịch COVID-19 đối với lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Ngoài ra, các đơn vị liên quan kịp thời nắm bắt tình hình để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành khi khách hàng hủy tour hàng loạt vì dịch bệnh...

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh ứng phó với tình trạng hoãn, hủy tour
Doanh nghiệp du lịch TP Hồ Chí Minh ứng phó với tình trạng hoãn, hủy tour

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Đà Nẵng, nhằm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo về các giải pháp ứng phó và phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN