Theo Hội Lương thực Thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh (FFA), dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song năm 2022, các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Tp.Hồ Chí Minh vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động. Cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho xã hội, đặc biệt ngay cả trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, mở rộng thị trường xuất khẩu và đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Có được kết quả này là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm 2022, giúp chính sách nhanh đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao, tác động nhanh và trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, ở thời điểm này các doanh nghiệp vẫn rất căng kéo, rất dễ bị tổn thương và tình hình chưa thực sự ổn định. Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, Hiệp hội FFA kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% đến 31/12/2023.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA nhấn mạnh, năm 2023 sẽ có thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Đặc biệt, những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm công suất…
Vì vậy, việc kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế VAT sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đảm bảo đủ nguồn cung, ổn định giá cả, qua đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, đại diện FFA cũng cho rằng, các chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp hiện nay như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng; việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội cũng không được như kỳ vọng vì nhiều lý do. Do đó, việc gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp giải bài toán khó hiện nay một cách thiết thực nhất.
Không chỉ FFA, một số hội ngành nghề, doanh nghiệp khác như Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh (HUBA), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA)… cũng có nguyện vọng tương tự, đề xuất gia hạn chính sách giảm VAT 2% cho năm 2023.
Theo Hiệp hội VBA, năm 2022 khi dịch bệnh đã dần được kiểm soát cùng với đó là chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ gồm chính sách giảm thuế VAT, các doanh nghiệp trong ngành đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực.
Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực về phục hồi mới chỉ là những dấu hiệu bước đầu. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ uống đang phải chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng năng lượng, tăng giá nguyên, nhiên liệu do xung đột Nga – Ukraine; lạm phát tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao...
Bên cạnh đó, hiện chính sách giảm thuế VAT được thực hiện ở một số nước như Thái Lan, Malaysia…. Vương quốc Anh cũng đang cân nhắc xem xét đề xuất này.
Có thể thấy chính sách giảm thuế VAT được coi là một biện pháp trợ lực tài chính mạnh mẽ của Chính phủ đối với nền kinh tế và có thể tạo động lực tốt cho sự phục hồi của doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng .
Do đó, Hiệp hội VBA đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian triển khai chính sách giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023 và có thể xem xét áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp.
Nhìn lại thời gian áp dụng việc giảm thuế VAT thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù lúc đầu còn một số vướng mắc, song qua một năm triển khai, chính sách này đã được đánh giá là một trong những cơ chế hỗ trợ rất tích cực, một quyết sách kịp thời giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy nền kinh tế sớm được chấn hưng sau thời kỳ đại dịch. Việc giảm thuế góp phần kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ giảm, tăng sức cầu của nền kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm 2022 chỉ tăng 3,15%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều thách thức do các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, giá xăng dầu tăng cao…
Bước sang năm 2023, tất cả các dự báo dù độc lập hay liên ngành cũng phát cùng tín hiệu về sự giảm tốc của nền kinh tế. Tiến sĩ Phan Thị Thanh Xuân thuộc nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) cho biết, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng tại Tp.Hồ Chí Minh vừa chạm ngưỡng tăng trưởng từng có trước dịch đã tuột dốc trong quý IV/2022. Sức mua hiện tại chỉ xấp xỉ 80% năm 2019, dù đang là mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Sự sụt giảm mạnh xuất hiện ở chính những ngành vốn là lõi tổng cầu của kinh tế Tp.Hồ Chí Minh như lương thực thực phẩm, gỗ, vật liệu xây dựng, vật phẩm văn hóa, giáo dục… Cú sốc kinh tế lần này chưa có khả năng đẩy mọi thứ rơi vào tình trạng trầm trọng hơn như suy thoái. Nếu may mắn, sự phục hồi được dự báo sẽ quay trở lại vào quý II/2023.
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Xuân đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2023. Đây là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn COVID-19, là một giải pháp để cứu sức cầu đang suy giảm. Việc các gói hỗ trợ này sẽ kết thúc sau ngày 31/12/2022 có thể khiến lộ trình hồi phục kinh tế gập ghềnh hơn.