Doanh nghiệp gỗ Bình Dương thay đổi để vượt khó

Theo số liệu của Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, ước tính trong tháng 4/2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh đạt hơn 480 triệu USD.

Tổng lũy kế 4 tháng năm 2023 giá trị xuất khẩu các sản phẩm này là 1,5 tỷ USD, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Chú thích ảnh
Sản xuất gỗ ván ép cong xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Gỗ ván ép Nhật Nam, xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, thị trường bất động sản toàn cầu đang giảm, kéo theo đó là ngành gỗ cũng giảm đơn hàng cả ở trong nước và nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã phải gắng gượng hoạt động, chấp nhận không có lợi nhuận, hy vọng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại, bởi trên thế giới đang có xu hướng chuyển đổi sang sử dụng nhiều loại vật liệu khác cho các công trình xây dựng, trang trí nội thất, đồ gia dụng như mây tre, nhựa, đá… Vì thế, dù thị trường bất động sản phục hồi thì ngành gỗ vẫn đối mặt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Liêm, đồ nội thất nhà tắm có 2 dòng phân khúc tiêu thụ gồm mua mới và phân khúc thay thế. Về cơ bản, phân khúc giá rẻ sẽ khó bán, còn phân khúc giá cao vẫn bán ở mức độ tốt hơn. Khách hàng giàu họ vẫn xây và thay mới, nhưng mức mua sắm có giảm đôi chút.

Trong khi đó, công tác xúc tiến thương mại của ngành gỗ Việt Nam lại thua kém so với các nước trong khu vực. Từ nhiều năm trước, khách hàng thường tham quan, tìm hiểu sản phẩm gỗ tại các hội chợ ở Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Singapore…, sau đó mới đến Việt Nam. Do đó, các đơn hàng lớn thường tập trung tại các nước này và doanh nghiệp Việt Nam chỉ còn những đơn hàng có giá trị không cao.

Dự kiến đến cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ sang thị trường Mỹ khó trở về thời kỳ hoàng kim như năm 2021, bởi giai đoạn bán hàng tốt nhất tại thị trường này đã qua.

Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, châu Âu đang tồn kho nhiều, sức mua giảm mạnh, các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tăng trưởng âm. Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu 331 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, hết quý I/2023, công ty chỉ lãi 1,8 tỷ đồng, giảm 90% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết, trong năm 2023, Gỗ Trường Thành dự kiến nâng công suất tất cả nhà máy tại Bình Dương. Công ty đang cải tiến quy trình sản xuất ở tất cả các khâu để loại bỏ các hoạt động không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng làm tăng chi phí chuỗi sản xuất; rút ngắn chu trình sản xuất, đồng thời cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Công ty cổ phần chế biến gỗ Thuận An cho biết, năm 2023, công ty sẽ tập trung tìm kiếm đơn hàng, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá sản phẩm, đồng thời kiểm soát chặt chẽ định mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, tỉnh Bình Dương tập trung triển khai các giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu như: xúc tiến tìm đơn hàng tại Ấn Độ, châu Âu, Trung Quốc, Trung Đông... để đáp ứng nhu cầu sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng thời, Sở cùng các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khai thác tốt lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, chú trọng nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cần phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường đã thực thi các hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Bình Dương là địa phương có ngành sản xuất gỗ xuất khẩu tập trung lớn nhất cả nước. Tỉnh này đang phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt 9-10 tỷ USD và đến năm 2030 đạt từ 12-13 tỷ USD. Để đạt mục tiêu đó, Bình Dương sẽ xây dựng 9 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích từ 70-75 ha/cụm.

Huyền Trang (TTXVN)
Doanh nghiệp gỗ đối mặt khó khăn giảm đơn hàng
Doanh nghiệp gỗ đối mặt khó khăn giảm đơn hàng

Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang ở mức cao, sức mua thị trường vì thế cũng trở nên yếu đối với mặt hàng không thiết yếu, việc đơn hàng mới giảm đang đặt ra thách thức đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp ngành gỗ những tháng cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN