Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt nhân sự luôn là trở ngại khi nhiều nhân công lao động có tâm lý nghỉ Tết tới hết tháng Giêng - mùa lễ hội. Đối mặt với vấn đề nan giải này, nhiều doanh nghiệp đang phải "đôn đáo" tuyển dụng nhân sự thay thế, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và khiến làm chậm, thậm chí giảm khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh đề ra.
Công ty cổ phần PT Daehan Global (Liên doanh giữa Tổng Công ty may Bắc Giang với Hàn Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang chuyên may hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện ngành lao động - thương binh và xã hội cho biết, kết quả khảo sát nhanh thị trường lao động trong nước cho thấy, đang xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động. Nguyên nhân là do một số doanh nghiệp lớn có thêm các đơn hàng phục vụ cho các ngày lễ cuối năm, trong khi lại không có và không chủ động phương án chuẩn bị sẵn nguồn lao động bổ sung. Số lao động mà doanh nghiệp thiếu chủ yếu là lao động phổ thông, trong các ngành dệt may, lắp ráp điện tử...
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, cũng như khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường. Cùng với đó là nâng cao năng lực và đẩy mạnh dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động trong các doanh nghiệp.
Không chỉ khó khăn đối với các ngành sản xuất thâm dụng lớn lao động, nhiều đơn vị kinh doanh thương mại hoặc hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cũng đồng cảnh ngộ. Phản ánh thực trạng của doanh nghiệp, bà Hồ Thị Nguyệt, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Hoàng Hà cho hay, vốn là đơn vị chuyên gia công lớp phủ Teflon chống dính lên tất cả các sản phẩm có phôi kim loại từ đơn giản đến phức tạp nên đòi hỏi đội ngũ công nhân và kỹ thuật viên tay nghề cao, rất khó thay thế. Qua hơn 9 năm hình thành và phát triển, hầu như năm nào doanh nghiệp cũng gặp thách thức về nhân công lao động sau kỳ nghỉ lễ, Tết.
Theo bà Nguyệt, năm 2025, với việc đề ra chỉ tiêu và kế hoạch tăng cao hơn nhiều để bù đắp cho kết quả thâm hụt doanh thu của năm 2024 do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tình hình khủng hoảng kinh tế chung, doanh nghiệp vừa cần phải tuyển mới để gia tăng năng suất, vừa phải tuyển thêm để bù đắp cho tình trạng lao động nghỉ lâu hoặc bỏ việc. Tuyển dụng luôn là công tác không đơn giản, vừa tốn kém chi phí, vừa mất thời gian thử việc, mất công sức và nhân sự đào tạo... cơ bản là gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Trần Phan, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn Giải pháp CENVI cho hay, với mục tiêu kinh doanh của năm 2025 tăng gấp 3 lần so với năm 2024 về quy mô khách hàng, số lượng hợp đồng cung cấp dịch vụ thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam và tư vấn, hỗ trợ kế toán thuế, CENVI đang tổ chức tuyển dụng không giới hạn chuyên viên và thực tập sinh pháp lý, kế toán viên để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ngoài nguyện vọng tuyển mới, CENVI cũng phải đối mặt với tình trạng nhân viên nghỉ nhiều, nghỉ dài ngày... dẫn tới đình trệ công việc; nhất là dịp gần đây khi tình hình thời tiết cực đoan, dịch cúm lan tràn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người lao động và thân nhân của họ khiến có thời điểm, lao động nghỉ hàng loạt.
Để thích ứng với tình hình thiếu hụt nhân sự sau Tết, nhiều chuyên gia gợi ý, doanh nghiệp cần cân nhắc một số giải pháp để giữ chân lao động; theo đó, quan trọng nhất là cải thiện môi trường làm việc, các điều kiện lao động khác để giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và an tâm hơn khi làm việc. Tạo ra môi trường làm việc thân thiện, tích cực sẽ giúp giữ chân nhân viên lâu hơn, thúc đẩy tinh thần cống hiến của họ để gia tăng tính gắn kết giữa các bên. Chế độ lương thưởng, phúc lợi hay chính sách đãi ngộ cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nhiều nghiên cứu tiến hành đã cho kết luận rằng, công nhân sẵn sàng ở lại với công ty nếu họ cảm thấy công sức của mình được đền đáp xứng đáng.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần triển khai các chương trình đào tạo và phát triển, không chỉ giúp nâng cao tay nghề mà còn tạo ra động lực cho nhân viên. Họ sẽ cảm thấy được đầu tư và vì thế có xu hướng gắn bó với doanh nghiệp lâu dài hơn.
Thêm vào đó, là kiến tạo các hoạt động tập thể hay các chương trình giữ chân nhân viên như thưởng theo thâm niên công tác lâu dài, tổ chức các hoạt động trải nghiệm team-building hay tạo điều kiện cho nhân viên thăng tiến sẽ giúp họ cảm thấy giá trị và muốn gắn bó với công ty. Doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn, không chỉ để thu hút ứng viên mà còn để tạo dựng lòng tin trong đội ngũ nhân viên hiện tại.
Có thể thấy, thách thức về nhân sự sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là vấn đề không mới nhưng luôn cần được quan tâm và xử lý kịp thời. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận diện thực trạng và tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để giữ chân nhân viên, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc năng động, thoải mái. Việc cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ và tạo cơ hội phát triển cá nhân sẽ góp phần giữ chân người lao động, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này và phát triển bền vững trong tương lai.