Doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự báo sức mua thị trường dệt may nội địa năm 2021 sẽ dậm chân tại chỗ và các doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục thay đổi chiến lược sản xuất, thay vì tập trung vào mặt hàng sơ mi, veston cao cấp thì chuyển sang sản phẩm trung bình và trung bình thấp.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại cuộc họp báo Đại hội nhiệm kỳ  VI (2020-2015) – Tổng kết năm 2020 vượt lên thách thức phát triển bền vững do Hiệp hội Dệt may tổ chức chiều 1/12, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Đức Giang, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn từ 2016 – 2019. Năm 2016 đạt 28,12 tỷ USD, năm 2019 đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng kép bình quân hàng năm là 9,55%. Riêng năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương giảm 9,29%. Mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. 

Ông Vũ Đức Giang cũng chỉ ra những thách thức của ngành dệt may trong năm 2020, đó chính là sự thay đổi phương thức mua hàng, thanh toán của các khách hàng. Cùng với đó, các mặt hàng sơ mi, veston cao cấp có mức độ tiêu thụ thấp, thậm chí có doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc giảm tới 80%. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất đồ bảo hộ lao động, đồ mặc nhà, đồ thể thao, khẩu trang vải... Đi kèm với việc chuyển đổi chính là thay đổi công nghệ và phải đào tạo lại lao động, tốn kém chi phí của doanh nghiệp trong khi tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

“Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của dệt may trong năm 2020 là 35.274 tỷ USD, giảm trên 9% so với cùng kỳ 2019. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều giảm, tuy nhiên, thị phần dệt may của Việt Nam cũng có những thay đổi, Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 sang Hoa Kỳ (11,80% thị phần), đứng thứ 6 xuất khẩu sang Châu Âu, thứ 2 xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Việt Nam cũng trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc với thị phần 19,1%. Kết quả này là nỗ lực đáng ghi nhận của toàn ngành đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp dệt may, da giày mới đây. Hiệp hội dệt may sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo ổn định đời sống người lao động”, ông Vũ Đức Giang cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ tại cuộc họp báo.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết thêm, trong 5 năm tới, dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 còn có thể kéo dài từ 1 - 2 năm tới. Việt Nam tuy đã kiểm soát khá thành công dịch COVID-19 nhưng dự kiến năm 2021 cũng chỉ đạt được mức của năm 2019. Mục tiêu đến năm 2025, ngành dệt may phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD tăng bình quân 9,4%/năm, sử dụng 3 triệu lao động, thặng dư thương mại đạt 33 tỷ USD và giá trị tăng thêm của sản phẩm dệt may xuất khẩu đạt 65%.

Đánh giá về thị trường nội địa năm 2021, ông Vũ Đức Giang nhận định, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sức mua tại thị trường nội địa sẽ dậm chân tại chỗ, rất khó tăng trưởng. Do đó, các doanh nghiệp dệt may sẽ tiếp tục tập trung vào những dòng sản phẩm trung bình thấp và trong thời gian tới, kỳ vọng với tác động của các Hiệp định thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... sẽ đem lại nhiều cơ hội cho ngành dệt may.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Dệt may Việt Nam lần thứ VI (2020-2025) và tổng kết năm 2020 vào ngày 12/12, tại Hà Nội để đánh giá lại các kết quả hoạt động của ngành và Hiệp hội dệt may trong năm 2020 nói riwwng và nhiệm kỳ V (2016-2020) nói chung. Đồng thời, đại hội cũng sẽ tập trung thảo luận các giải pháp cần thiết để phát triển ngành dệt may trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn 2035. 

Cũng trong khuôn khổ chương trình,  ngày 11/12 sẽ diễn ra hội thảo chuyên đề “Ngành dệt may và da giày Việt Nam 1 năm sau COVID-19 và phát triển bền vững” đánh giá những thách thức và đối sách mà ngành dệt may và da giày phải đối mặt trong năm 2020. Cũng tại hội thảo, Hiệp hội dệt may sẽ công bố Báo cáo nghiên cứu toàn diện tác động của đại dịch COVID-19 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may, da giày Việt Nam.
Thu Trang/Báo Tin tức
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần 'tăng trưởng xanh' trong phát triển ngành dệt may
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần 'tăng trưởng xanh' trong phát triển ngành dệt may

Chiều 23/11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với đại diện ngành dệt may, da giày Việt Nam để giải quyết một số kiến nghị, đề xuất nhằm tạo điều kiện cho ngành phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN