Doanh nghiệp đăng ký mới và phục hồi hoạt động tăng

Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 9/2021, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp tháng 10/2021 có tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 tạm dần được kiểm soát. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi với 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng trước. 

Chú thích ảnh
Số tiền thuế, tiền chậm nộp sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Trong 10 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên mốc 129 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 12,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Cụ thể tháng 10/2021, Việt Nam có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9/2021. Nếu so với cùng kỳ năm 2020, giảm 32,5% về số doanh nghiệp thành lập mới, giảm 34,4% về số vốn đăng ký và giảm 18,8% về số lao động.

Số vốn đăng ký bình quân của một doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 là 13,2 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái; có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 55,9% và tăng 6%; có 3.048 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,5% và giảm 14,8%; có 806 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33% và giảm 43%.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 707,7 nghìn lao động, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm 18,2% về vốn đăng ký và giảm 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù số doanh nghiệp, vốn đăng ký thành lập mới tăng nhưng tình hình tài chính, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. 

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong suốt 2 năm qua và đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19, hoạt động của doanh nghiệp chịu tác động rất nặng nề. Bình quân mỗi tháng có gần 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 20% so với năm 2020.

“Bộ Tài chính đã triển khai nhanh chóng chính sách tài chính, thuế để hỗ trợ danh nghiệp và người dân như: Ưu đãi thuế theo Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15, trong đó giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021 cho một số đối tượng, miễn thuế 2 quý cho cá nhân, hộ kinh doanh, giảm 30% thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho một số hàng hóa dịch vụ; miễn tiền chậm nộp (0,03%/ngày) đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết.

Kết quả hỗ trợ doanh nghiệp từ các biện pháp về thuế, tiền thuê đất năm 2020 là khoảng 129.000 tỷ đồng (gia hạn khoảng 97.500 tỷ đồng, giảm thuế trên 31.500 tỷ đồng). Năm 2021, đã gia hạn và giảm được khoảng 118.000 tỷ đồng; giảm 30 khoản phí, lệ phí. Theo ông Nguyễn Văn Phụng, giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai lúc này là hiệu quả cải cách hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng tới phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách, về dài hạn, doanh nghiệp cần phát huy sự năng động, sáng tạo, ứng dụng các hình thức kinh doanh mới, chuyển đổi số để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cần đồng hành cùng chính quyền, người dân phòng chống dịch hiệu quả để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong bối cảnh “bình thường mới”.

                 Hụt thu gần 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. 

Nghị định số 92 quy định về: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế giá trị gia tăng; miễn tiền chậm nộp. Theo đó, số tiền chậm nộp thuế sẽ được miễn để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 để có thể tiếp tục hoạt động. 

Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 92/2021/NĐ-CP dự kiến sẽ có tác động giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021 khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. 
Chú thích ảnh

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngành Xây dựng rà soát, sửa đổi văn bản theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp
Ngành Xây dựng rà soát, sửa đổi văn bản theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp

Trong những tháng cuối năm, một trong những nhiệm vụ được Bộ Xây dựng đặt ra là sẽ rà soát, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN