Cần sức mạnh cộng hưởng để cùng phát triển
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ TTTT), khẳng định rằng, thị trường công nghệ thế giới có nhiều cơ hội. Nếu phát triển năng lực phục vụ thị trường nước ngoài, đích đến sẽ là không có giới hạn.
Trong khi đó, thị trường phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam khoảng 2 tỷ USD chỉ chiếm 0,1% so với thị trường thế giới là hơn 1.800 tỷ USD. Do đó, cơ hội thị trường là rất lớn. Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không chỉ có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động và sáng tạo mà còn có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường toàn cầu.
“Đi cùng nhau” là một trong những cách đi mà Bộ TTTT định hướng cho các doanh nghiệp công nghệ. Giờ đây, việc mở rộng thị trường đầu tư, phát triển theo hướng “xuyên biên giới” chính là một hướng đi đúng đắn, cần được ưu tiên đối với các doanh nghiệp công nghệ số (DNCNS) Việt Nam, qua đó tạo dựng thương hiệu công nghệ số “Make in Viet Nam” trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp công nghệ số đầu tiên của Việt Nam tìm hướng phát triển tại thị trường nước ngoài và có những thành công nhất định là FPT. “23 năm trước, chúng tôi có ước mơ vươn ra biển lớn. Tháng 1/2000, FPT mở 2 văn phòng đầu tiên tại nước ngoài ở Bangalore và Silicon Valley, thủ phủ phần mềm của Ấn Độ và Mỹ. Tuy vậy, trong 2 năm đầu, FPT không ký được một hợp đồng nào, trong khi ngân sách dần cạn kiệt”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ.
Ở thời điểm đó, nhiều người FPT đã định dừng lại và buông bỏ ước mơ chinh phục thị trường ngoại. Thế nhưng sau tất cả, FPT vẫn làm đến cùng với niềm tin Ấn Độ làm được thì Việt Nam cũng làm được. “Có thời điểm, tôi dành nửa thời gian ở nước ngoài, gặp gỡ hàng chục công ty đối tác nhưng kết quả vẫn hoàn tay trắng. Trong một lần gặp IBM, tôi nói nếu ông mua 1 USD phần mềm của tôi thì tôi sẽ mua 1.000 USD phần cứng của ông. Nhờ đó, FPT lần đầu tiên ký được hợp đồng với IBM. Tuy nhỏ thôi nhưng nó động viên tôi bởi nếu IBM mua được thì cớ gì các công ty khác không mua được”, ông Bình cho biết.
Nói về câu chuyện mở rộng thị trường sang Nhật, ông Trương Gia Bình cho biết, người Nhật từng từ chối khéo với lý do họ không nói tiếng Anh. Đó là thời điểm ông Trương Gia Bình nhận ra rằng, công ty sẽ tiến xa hơn nếu có nhân sự biết tiếng Nhật. Việc cho nhân viên học tiếng Nhật sau đó đã mở ra cho FPT rất nhiều cơ hội tại thị trường này.
Bài học đầu tiên với FPT là hiểu được thị trường địa phương, văn hoá địa phương mới dẫn đến thành công.
Tiếp đó, theo ông Trương Gia Bình, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là năng suất thấp, tăng trưởng nhanh những năm đầu nhưng chậm dần về sau khi doanh số càng to. Để khắc phục đều này, 10 năm trước, FPT quyết định chuyển hướng sang những công nghệ mới nhất như Cloud, AI, Big Data,…Nhờ đi trước về công nghệ, giờ năng suất lao động của FPT từ mức trung bình 15.000 USD đã tăng lên 45.000 USD/người/năm.
Từ bước chân đầu tiên của FPT đến Ấn Độ cách đây hơn 23 năm, hiện nay FPT đã hiện diện tại 29 quốc gia. Doanh số tại thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD, tăng gấp 25.000 lần, với quy mô nhân lực là 27.000 người, tăng 900 lần.
Cũng được coi là một điển hình trong việc đưa các sản phẩm số “hướng ngoại”, khi nói về các giá trị và lợi ích to lớn khác tạo ra, ông Phạm Thái Sơn, Tổng giám đốc công ty NTQ Solution cho rằng, cơ hội cho các DNCNS Việt Nam nếu tiếp cận các khu vực là những “nước giàu”, “tiệm cận giàu” là rất lớn và đa dạng các sản phẩm về dịch vụ số. Tại những nước này, các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và các giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số đang chiếm tỷ trọng lớn, trở thành một nhu cầu chi tiêu, đầu tư không thể thiếu của mỗi DN. Đối với hai lĩnh vực này, có thể đạt 4,6 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tuy nhiên, muốn thâm nhập thị trường nước ngoài phải hiểu được văn hoá bản địa.
Trong sự hội nhập này, DN Việt Nam sẽ nhiều lợi thế để thúc đẩy các sản phẩm số, ứng dịch vụ CNTT. “Bởi lẽ, trong sự phát triển chung của đất nước, chúng ta đã thiết lập, ký kết ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới mà điển hình tiêu biểu chính là Hiệp định hợp tác thương mại quan trọng (EFTA, EVFTA, RCEP...).”, ông Phạm Thái Sơn dẫn chứng.
Hơn nữa, ông Phạm Thái Sơn còn khẳng định, khi chúng ta có cơ chế, chính sách, các ký kết ngoại giao, điều này sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng dịch vụ CNTT phát triển, gia tăng thêm các giá trị lợi ích, tiềm năng.
“Các DNCNS Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được các mục tiêu thành công ở thị trường nước ngoài, bởi ở thị trường trong nước chúng ta đang có sức mạnh công nghệ được kiểm chứng hiệu quả qua thực tế đó là: Chúng ta đã đạt độ phủ sóng về hạ tầng băng thông rộng di động trên toàn quốc (99,73%); đạt gần 1 triệu nhân sự ngành CNTT; số lượng hùng hậu 500.000 lập trình viên/kỹ sư CNTT ngành phần mềm; chi phí dịch vụ CNTT chỉ bằng 1/3 - 1/4 chi phí so với các nước bản địa. Tuy nhiên, bên cạnh những thế mạnh tiểm năng có sẵn, DNCNS Việt Nam muốn thành công cũng cần phải có những chiến lược và tầm nhìn đúng đắn để tập trung như: Xác định nơi đầu tư, hợp tác phải có nhu cầu lớn về các sản phẩm số hoặc khan hiếm nguồn nhân lực CNTT; có thêm các chuyên môn cao trong việc bán các sản phẩm công nghệ; có thêm các đối tác kinh doanh - công nghệ - tư vấn - liên minh; hướng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam trở thành công dân toàn cầu (global citizen)...”, ông Phạm Thái Sơn cho biết.
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Misa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) cho biết: Gần đây, đơn vị mở rộng ra thị trường nước ngoài và vấn đề đầu tiên gặp phải là phải hiểu được văn hoá và cách dùng sản phẩm bản địa. Muốn vậy, doanh nghiệp phải hợp tác với doanh nghiệp địa phương, nhất là kênh bán hàng. Tuy nhiên nếu hợp tác với các đơn vị đi trước đã có mạng lưới sãn có như Viettel tại Lào, Myanma thì sẽ thuận lợi hơn. Do đó, về tầm định hướng chiến lược cần có vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài
Lý giải về việc các doanh nghiệp Việt Nam phải đi ra thế giới, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Đi ra nước ngoài cũng là mở rộng không gian, mở rộng thách thức, mở rộng hệ tri thức, là học hỏi để xây dựng Việt Nam. Tất cả những điều này là để Việt Nam giỏi lên. Không đi ra nước ngoài, không cạnh tranh, không chinh phục, không có doanh thu từ thị trường nước ngoài, Việt Nam không thể trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế, nhưng việc chinh phục thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp công nghệ Việt cùng nhau xây dựng thương hiệu quốc gia. Bởi lẽ, Việt Nam là một quốc gia với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có thể giải quyết mọi bài toán toàn cầu và địa phương bằng công nghệ số.
Thị trường công nghệ thông tin, công nghệ số của Việt Nam là một thị trường chật chội. Chi cho CNTT, chuyển đổi số thì không lớn nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lại rất nhiều. “Chúng ta có khả năng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng với giá rẻ và khai thác thành công các thị trường mà các công ty công nghệ số lớn đang bỏ ngỏ. Đây là năng lực cạnh tranh chính của chúng ta để có thể đi ra nước ngoài. Làm công nghệ thì không có chỗ cho sản phẩm trung bình nhưng sản phẩm chất lượng mà giá cao thì lại không đến lượt những doanh nghiệp chưa có tên tuổi quốc tế như chúng ta. Chất lượng và giá rẻ sẽ rất phù hợp với giai đoạn đại chúng hoá công nghệ số, khi tất cả các nước từ giầu đến nghèo đều đang đẩy nhanh chuyển đổi số một cách toàn dân và toàn diện”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Với quan điểm “Nhà nước mở đường, người đi trước kéo người đi sau”, thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư thương mại số, gian hàng công nghệ số Việt Nam ở nước ngoài; tham mưu Chính phủ ký kết các Hiệp định về đối tác số với các nước. Bộ TTTT đồng hành với DNCNS đi ra thị trường thế giới.