Doanh nghiệp chủ động 'bắt tay' để tăng khả năng cạnh tranh

Trước bối cảnh thị trường trong và ngoài nước dự kiến tiếp tục diễn biến khó lường, ngay từ đầu năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động “bắt tay” để tăng năng lực thích nghi với tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm cộng hưởng khả năng cạnh tranh.

Bán lẻ kết nối chặt chẽ nhà cung cấp

Ở lĩnh vực bán lẻ, Liên hiệp Hiệp hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) -  đơn vị chủ quản của các thương hiệu bán lẻ, gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Cooponline, Sense market, Sense city… vừa tổ chức gặp gỡ hơn 500 đối tác, lãnh đạo doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ chương trình, Saigon Co.op ký kết biên bản hợp tác chiến lược cùng nhiều đối tác như Vinamilk, Unilever Việt Nam, Cocacola Việt Nam, Heineken Việt Nam, Pepsico, Abbott…

Chú thích ảnh
Khách hàng mua hàng tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Thông qua hợp tác giữa Saigon Co.op và mạng lưới đối tác kinh doanh, nhà bán lẻ này đã nhanh chóng đa dạng chương trình mở đầu năm. Bên cạnh đó, Saigon Co.op tái cấu trúc danh mục hàng hóa theo hướng khác biệt hóa vùng địa lý và phân khúc khách hàng; đẩy mạnh khai thác các sản phẩm độc quyền bắt kịp xu hướng, đặc sản vùng miền; chú trọng lĩnh vực xuất nhập khẩu… và cam kết vận hành theo cơ chế trách nhiệm với đối tác, cùng chia sẻ thông tin với nhà cung cấp.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, năm 2025, Saigon Co.op linh hoạt trong phương thức vận hành nhằm nâng cao khả năng thích nghi với thị trường, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, đa dạng mô hình kinh doanh... Đặc biệt, Saigon Co.op dành ngân sách lớn để hiện đại hóa toàn bộ không gian mua sắm, tinh chọn nhóm ngành hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử…

Tương tự, hướng đến mục tiêu là điểm đến hội tụ những thương hiệu bán lẻ uy tín trong và ngoài nước, mang lại không gian mua sắm phong phú và đẳng cấp tại Trung tâm Thương mại SATRA Võ Văn Kiệt (Centre mall Võ Văn Kiệt), Quận 6, TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn trách - TNHH MTV (SATRA) đã lần lượt ký kết hợp tác với hàng loạt đối tác lớn ở nhiều lĩnh vực. Đồng thời, SATRA cũng ký kết hợp tác chiến lược với một số ứng dụng thanh toán, ví điện tử VNPay, Zalopay, Momo… để thúc đẩy mô hình thương mại hiện đại, thanh toán không tiền mặt.

Liên quan đến mô hình kinh doanh mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2025, ông Nguyễn Tuấn, Phó Tổng giám đốc SATRA chỉ ra rằng, Centre Mall Võ Văn Kiệt được chú trọng đầu tư đa dạng ngành hàng chủ lực, gồm: ẩm thực, giải trí, thời trang, phụ kiện, trang sức, khu vui chơi, siêu thị đa ngành hàng… khác biệt so với những trung tâm thương mại khác của SATRA. Hoạt động ký kết hợp tác chiến lược giữa SATRA và nhiều đối tác trong và ngoài nước sẽ giúp các bên nâng cao giá trị kinh doanh, liên kết chuỗi địa điểm, tăng nhận diện thương hiệu, cộng hưởng ưu đãi, mang lại lợi tích thiết thực cho khách hàng và người tiêu dùng.

Cũng trong những ngày đầu năm 2025, Starbuck Việt Nam công bố tiếp tục đồng hành cùng đối tác trong nhiều chương trình, dự án với chiến lược địa phương hóa, mở rộng chuỗi cửa hàng… nhằm tiếp cận khách hàng bản địa và chinh phục người tiêu dùng bằng nguyên liệu, cũng như hương vị Việt. Theo đó, khách hàng Starbuck Việt Nam được giới thiệu loại cà phê Sơn Châu, loại cà phê đã trải qua quy trình tuyển chọn từ nguyên liệu cà phê ngon trên khắp Việt Nam.

Liên quan đến chiến lược địa phương hóa, đại diện Starbuck Việt Nam cho hay, tất cả chuỗi của hàng của thương hiệu này đều hướng đến triết lý “tất cả vì khách hành” và tại thị trường Việt Nam cũng như vậy. Chính vì thế, sử dụng nguyên liệu bản địa, mang đến hương vị Việt cho người dùng là một trong những giải pháp để Starbuck Việt Nam trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt và yêu thích cà phê Việt.

Công nghiệp mở rộng thị trường khu vực

Trong khi đó, ở lĩnh vực công nghiệp, ngay những ngày đầu tháng 2/2025, Công ty McLaren Automotive chính thức ủy quyền Đại lý McLaren Hồ Chí Minh - vận hành bởi Tập đoàn S&S Group, mở rộng dịch vụ hậu mãi sang thị trường Campuchia và sự hợp tác chiến lược được quyết định dựa trên sự thành công của McLaren Automotive tại Việt Nam. Cụ thể, thông qua việc hỗ trợ thị trường Campuchia, tất cả mẫu xe McLaren tại thị trường này sẽ được chăm sóc tỉ mỉ dưới sự giám sát của đội ngũ kĩ thuật và chăm sóc viên dày dặn kinh nghiệm từ McLaren Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh
Công nhân lao động Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN

Theo bà Tú Lê, Giám đốc vận hành S&S Group, đối với những trường hợp sửa chữa phức tạp, xe sẽ được vận chuyển đến xưởng dịch vụ hiện đại của McLaren Hồ Chí Minh. McLaren Hồ Chí Minh cũng được ủy quyền là đại lý được chính thức, tiếp nhận và hỗ trợ các đơn đặt hàng mới tại thị trường Campuchia.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh (HAMEE) cho rằng, với bối cảnh thị trường trong và ngoài nước như năm nay, doanh nghiệp ở hầu hết ngành nghề, lĩnh vực; trong đó, có ngành cơ khí cần chủ động cơ cấu lại hoạt động sản xuất và tìm hướng đi mà doanh nghiệp có thể thích nghi. Theo đó chủ động mở rộng thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong và ngoài nước không chỉ giúp tìm kiếm thị trường mới, mà còn tranh thủ tiếp thu công nghệ mới.

Đồng quan điểm, ông Thomas Huynh, Giám đốc Phát triển thị trường Tập đoàn Apex Group phân tích, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được phân chia một số ngành mũi nhọn như linh kiện kim loại, linh kiện nhựa và cao su, linh kiện điện tử, dệt may và da giày. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu địa phương về nhu cầu linh kiện công nghiệp.

Ngoài ra, ngành còn có điểm yếu như quy mô doanh nghiệp nhỏ chiếm gần 90%, thiếu vốn và công nghệ, phục thuộc nhập khẩu… Tuy vậy, điểm mạnh của Việt Nam là nằm ở vị trí chiến lược gần những chuỗi cung ứng toàn cầu, lực lượng lao động cạnh tranh, Chính phủ Việt Nam có chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính chính cho ngành công nghiệp hỗ trợ…

“Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam ngày càng phát triển, nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức trong mở rộng quy mô và nội địa hóa. Chính vì vậy, khi doanh nghiệp chủ động tham gia chuỗi cung ứng và trở thành đối tác chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, cũng như toàn cầu sẽ còn được học hỏi kinh nghiệm thị trường, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, nhất là hệ sinh thái công nghiệp ASEAN là một trong những cánh cửa tiềm năng”, Giám đốc Phát triển thị trường Tập đoàn Apex Group chia sẻ thêm.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, những doanh nghiệp Việt đang có nguồn lực yếu và năng lực cạnh tranh hạn chế thì chú trọng cơ hội liên kết, hợp tác với doanh nghiệp toàn cầu, công ty đa quốc gia… cũng là một giải pháp cải thiện nội tại của doanh nghiệp. Khi nhận thức, đánh giá được nhu cầu thị trường và khách hàng, doanh nghiệp sẽ định vị được vị trí, cũng như những vấn đề rào cản để “với tới” chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay.

Điển hình, doanh nghiệp Việt Nam có thể thành lập liên doanh với doanh nghiệp Thái Lan để tận dụng những lợi thế bổ sung, chuyển giao công nghệ; đồng thời kết nối doanh nghiệp hai bên có thể phát triển mạng lưới nhà cung cấp bền vững. So với các nước trong khu vực ASEAN, Thái Lan cũng là quốc gia cung cấp vượt trội ở lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, quy trình kiểm soát chất lượng, phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

Mỹ Phương (TTXVN)
Doanh nghiệp giải quyết thiếu hụt lao động sau Tết
Doanh nghiệp giải quyết thiếu hụt lao động sau Tết

Đầu năm, thường là khoảng thời gian mà các doanh nghiệp bắt đầu triển khai kế hoạch kinh doanh mới, tìm kiếm cơ hội mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN