Phái đoàn gồm 7 thành viên do ông Gabriel Mato, Nghị sỹ Tây Ban Nha, thành viên Nghị viện châu Âu, người phát ngôn Ủy ban Nghề cá châu Âu dẫn đầu đã tổ chức một cuộc họp cấp cao với Thủ tướng Việt Nam, các Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các thành viên quốc hội và các quan chức có liên quan của Việt Nam.
Sau các cuộc làm việc, gặp gỡ và xem xét, các thành viên Uỷ ban nghề cá của Nghị viện châu Âu đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam và công bố đánh giá này trên phương tiện truyền thông châu Âu.
Theo đó, phái đoàn châu Âu nhận xét, Việt Nam nỗ lực chào đón phái đoàn Nghị viện châu Âu và trình bày về các biện pháp đã thực thi và đạo luật mới đã được thông qua. MEPs cũng đã gặp gỡ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Các công ty và các hiệp hội nghề cá đã cung cấp thông tin trực tiếp về các thách thức và hạn chế của ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản Việt Nam cho các thành viên trong đoàn.
Phái đoàn đánh giá cao việc trao đổi cởi mở, thẳng thắn và hợp tác xây dựng của các cơ quan chức năng, các tổ chức nghề cá liên quan… của Việt Nam. Một số cải thiện đáng kể trong Luật Thủy sản của Việt Nam chắc chắn có thể làm tăng khả năng giải quyết và ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU tại các vùng biển của Việt Nam.
Các thành viên Nghị viện châu Âu cũng đã chứng kiến các cơ sở hạ tầng kiểm tra, giám sát và kiểm soát mới như Trung tâm Giám sát Nghề cá tại Hà Nội và tại các cảng biển ở Quy Nhơn, Hải Phòng, cùng với cơ sở hạ tầng mới tại đây, có thể tác động tích cực đến khả năng tuân thủ các nghĩa vụ trong việc chống lại các hoạt động khai thác IUU. Các thành viên cũng hoan nghênh việc phát hành Sách Trắng về Chống khai thác IUU tại Việt Nam của VASEP.
Phái đoàn đã đề cập đến các thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt như vượt công suất và lạm thác nguồn lợi do ngành chế biến phát triển quá nhanh, khiến nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu ngày càng tăng. Điều này, cùng với pháp lý và chính sách kiểm soát, quản lý yếu, khiến ngư dân hoạt động khai thác ngoài vùng biển Việt Nam, dẫn đến vi phạm vùng biển nước ngoài.
Các thành viên của phái đoàn đã công nhận các nỗ lực chính trị của Việt Nam trong cam kết giải quyết các vấn đề về khai thác IUU. Đồng thời nhấn mạnh rằng Việt Nam đã dành đủ các nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện điều này. Phái đoàn cũng đã xác định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), nhấn mạnh cần phải làm rõ về việc hợp tác giữa hai bên trong cuộc chiến chống lại khai thác IUU trong Chương trình Phát triển Thương mại Bền vững của hiệp định này.
Các thành viên phái đoàn cũng đã chỉ ra rằng đối với Việt Nam và EU, điều quan trọng là phải tiếp tục đối thoại một cách cởi mở, cùng nhau xây dựng để giải quyết thành công các thách thức trên toàn cầu do hoạt động khai thác bất hợp pháp. Khung pháp lý của Luật Thủy sản mới và việc thực hiện các quy định hiện hành đang có bước đầu đi đúng hướng và MEPs khuyến khích Việt Nam tiếp tục đi theo con đường này.