Sức ép lên vận tải taxi truyền thốngTheo thống kê của Hiệp hội Taxi Hà Nội, xe Uber, Grab hiện đã phát triển chóng mặt với trên 7.000 xe hoạt động tại Hà Nội chỉ trong khoảng 2 năm trở lại đây, so với gần 17.000 xe taxi truyền thống của các hãng trong vòng 20 năm qua và không hiện không được cấp phép mới.
Sự phát triển chóng mặt trong thời gian ngắn của taxi công nghệ như Uber, Grab mặc dù giúp người tiêu dùng được hưởng lợi nhờ giá cước vận tải rẻ hơn nhưng lại khiến các doanh nghiệp vận tải taxi truyền thống lo ngại bị "chèn ép" và phải thu hẹp thị phần.
Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính lái xe Uber không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng Giám đốc taxi Vinasun cho rằng: Do có nhiều chương trình khuyến mãi như: Tặng mã giảm giá cho người sử dụng đầu tiên, giới thiệu bạn bè sử dụng, miễn phí dùng thử Uber… nên thu hút nhiều khách hàng. Điều đáng nói, trong khi các hãng taxi nhận diện nhờ có dán phù hiệu, logo, thì các xe Uber, Grab lại “tàng hình”, qua mặt cơ quan quản lý.
Đơn cử, dịch vụ đi xe chung của Uber, Grab mới triển khai sẽ giúp hành khách tiết kiệm được khoảng 30% chi phí so với đi xe Uber, Grab riêng chuyến. Mức giá cước khi có khuyến mại rẻ hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội bức xúc: Uber, Grab là "công ty kinh doanh dịch vụ taxi trá hình", cạnh tranh không lành mạnh bằng chiêu thức siêu giảm giá, chiến lược giá hủy diệt, trợ giá cho khách hàng nhằm mục đích chiếm lĩnh thị trường và không thực hiện đầy đủ trách nhiệm thuế với Nhà nước...
Hầu hết ý kiến của các hãng taxi truyền thống như: Thành Công, Thủ Đô, Vinasun… thông qua Hiệp hội Taxi Hà Nôi đều kiến nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan làm rõ: Uber, Grab đang kinh doanh ở Việt Nam thực chất là loại hình gì? Thí điểm tại sao không khống chế số lượng xe mà lại cho phát triển nóng trong thời gian ngắn?
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc chính sách của Uber Việt Nam cho hay, Uber không phải là hãng taxi, cũng không phải là doanh nghiệp vận tải, không trực tiếp cung cấp dịch vụ vận tải và không sở hữu bất kỳ phương tiện vận tải nào. Uber hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam, tham gia thí điểm và nộp thuế theo đúng quy định của Tổng cục Thuế.
Hoàn thiện quy định quản lý của các loại hình taxi
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ GTVT sẽ tiếp thu các kiến nghị để làm rõ loại hình vận tải của Uber, Grab là cung cấp dịch vụ hay làm vận tải, hoặc thực hiện cả hai chức năng này. Còn trong văn bản thực hiện thí điểm đang quy định Uber, Grab là loại hình xe hợp đồng điện tử. Bộ GTVT sẽ xây dựng các chế tài quản lý, xử lý Uber, Grab để đưa vào sửa đổi Nghị định 86/CP điều kiện kinh doanh vận tải trình Chính phủ. Trong đó làm rõ các vấn đề thuế, chính sách giảm giá, khuyến mãi cạnh tranh không bình đẳng với taxi truyền thống.
“Tuy nhiên, có thể nói , Uber, Grab là loại hình vận tải công cộng, mô hình này trong tương lai sẽ vẫn tồn tại. Cuối năm 2017 sẽ kết thúc thí điểm, tổng kết thực hiện xe hợp đồng điện tử sau 2 năm triển khai để đưa ra giải pháp quản lý tốt hơn. Bộ GTVT cũng sẽ sớm họp với đại diện Uber, Grab, lãnh đạo các thành phố thực hiện thí điểm, các Bộ Công Thương, Tư pháp để làm rõ hơn mô hình hoạt động của taxi công nghệ”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho hay.
“Các hãng taxi truyền thống cần đổi mới dịch vụ bằng việc nâng cao chất lượng phương tiện, trang phục lái xe và thái độ thân thiện hơn. Cùng đó, Uber, Grab phải nhận thức, tham mưu cho công ty mẹ thực hiện đúng pháp luật Việt Nam, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam.”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang khẳng định: Bất cập hiện nay là số lượng xe hợp đồng điện tử Uber, Grab tăng quá nhanh so với quy hoạch taxi. Do vậy, cần phải có những biện pháp quản lý phù hợp, ví dụ quy định đăng ký logo nhưng taxi truyền thống để quản lý.