Điều kiện để nhà đầu tư nội thực hiện 8 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam

Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, với nhiều điều kiện giảm so với chào thầu quốc tế trước đó.

 Dự kiến, trong tuần này, các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển. 

Chú thích ảnh
Đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam “ngốn” gần 120.000 tỷ đồng cơ bản sẽ được thông xe toàn tuyến vào năm 2021. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Cụ thể, hồ sơ mời sơ tuyển trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 như sau: Về năng lực kinh nghiệm, nhà đầu tư đủ điều kiện khi từng tham gia 1 gói thầu xây lắp có giá trị vốn tối thiểu bằng 20% giá trị xây lắp của dự án tham gia đấu thầu (thay vì mức 30% như hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế trước đó).

Về liên danh nhà đầu tư, vẫn giữ quy định nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải chiếm ít nhất 30% vốn góp trong liên danh, mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư. Tuy nhiên, bỏ quy định các nhà đầu tư khác tham gia trong liên danh phải chiếm tối thiểu 15% vốn góp.

Như vậy, các nhà đầu tư tham gia liên danh (trừ nhà đầu tư đứng đầu) chỉ cần 5-10%, thậm chí thấp hơn đều được. Còn việc giữ quy định mỗi liên danh không quá 5 nhà đầu tư để tránh bị chia nhỏ, quá nhiều nhà đầu tư sẽ gây phức tạp cho việc quản lý.

Ngoài ra, nhà đầu tư có phần vốn nước ngoài vẫn được tham gia đầu tư (hoặc tham gia các liên danh nhà đầu tư), với điều kiện phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% (tức nhà đầu tư nước ngoài không nắm cổ phần chi phối).

“Quy định này nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, vì hiện có nhiều doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể liên kết doanh nghiệp trong nước lập pháp nhân mới, nhưng phần vốn góp của nhà đầu tư ngoại cũng không được vượt quá 51% (theo Luật Đầu tư năm 2014)”, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Ngoài những thay đổi chính trên, các điều kiện còn lại với nhà đầu tư tham gia sơ tuyển các đoạn dự án BOT cao tốc Bắc – Nam vẫn giữ nguyên, như: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (liên danh nhà đầu tư) phải bằng ít nhất 20% giá trị dự án tham gia đấu thầu; phải có cam kết tài trợ vốn từ tổ chức tín dụng; nhà nước không bảo lãnh tỷ giá, doanh thu tối thiểu… Trường hợp không tìm được nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội chuyển sang đầu tư công.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, từ 14h ngày 16/10 sẽ phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư BOT xây dựng đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Thời gian phát hành và nhận hồ sơ sẽ kéo dài tới đầu giờ chiều ngày 15/11/2019, ngay sau đó 30 phút sẽ mở hồ sơ chấm thầu.

Tương tự, các đoạn dự án khác thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT dự kiến cũng được các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải phát hành hồ sơ mời sơ tuyển trong tuần này.

Trước đó, 8 đoạn BOT cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, đã được Bộ Giao thông Vận tải phát hành hồ sơ mời sơ tuyển tìm nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, sau khi chấm thầu, do có quá ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, không đảm bảo cạnh tranh, nên Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định huỷ thầu quốc tế, và chuyển sang chỉ đầu thầu tìm nhà đầu tư trong nước.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, 8 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức BOT, có số vốn nhà đầu tư phải thu xếp khoảng 63.716 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu các nhà đầu tư khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách nhà nước hỗ trợ, gồm các đoạn:  Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hóa), dài 63km, tổng mức đầu tư khoảng 12.900 tỷ đồng.

Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa), dài 43 km, tổng mức đầu tư hơn 6.300 tỷ đồng; đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 8.300 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (Nghệ An - Hà Tĩnh), dài 50 km, tổng mức đầu tư hơn 13.300 tỷ đồng; đoạn Nha Trang - Cam Lâm, dài 50km, tổng vốn đầu tư hơn 7.615 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 5.058 tỷ đồng.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dài 79km, tổng vốn đầu tư hơn 13.687 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hỗ trợ hơn 9.311 tỷ đồng;  đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), dài 101 km, tổng vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, dài 99km, tổng vốn đầu tư hơn 14.359 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước hỗ tợ hơn 2.480 tỷ đồng.

Quang Toàn (TTXVN)
Dự kiến giải phóng 70% mặt bằng cao tốc Bắc – Nam vào tháng 4/2020
Dự kiến giải phóng 70% mặt bằng cao tốc Bắc – Nam vào tháng 4/2020

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, tính đến nay, tất cả 8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã mở thầu sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN