Điệp khúc tăng giá của thức ăn chăn nuôi

Trong thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Thực tế, giá thức ăn chăn nuôi đang tăng nhanh hơn so với tỷ trọng về tăng giá sản phẩm, gây không ít khó khăn cho người chăn nuôi.

Đến hẹn lại... tăng

Trong những ngày qua, một loạt các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi như: Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc Proconco, Cargill, Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi CP… thông báo tăng giá mới, với mức tăng bình quân khoảng 200 đồng/kg. Đây là lần tăng thứ 7 trong năm, như vậy giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tới 1.400 đồng/kg so với đầu năm. Hiện giá thức ăn chăn nuôi đang đứng ở mức 10.500 - 11.300 đồng/kg tùy loại, cao nhất từ trước đến nay. Theo phản ánh của các công ty thức ăn chăn nuôi, nguyên nhân tăng là do chi phí đầu vào tăng mạnh.

Sản xuất thức ăn chăn nuôi hỗn hợp cao cấp ECO tại Công ty cổ phần RTD Viễn Đông.

Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân của đợt tăng giá này là do từ giữa tháng 3/2011, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới có đợt tăng giá mới. Vì vậy, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước cũng đã điều chỉnh tăng theo.

Một số hộ chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, trong thời gian qua, giá thức ăn chăn nuôi tăng tương đối nhanh, một bao cám cho lợn loại 25 kg có giá 376.000 đồng, tăng 7.500 đồng/bao, một bao cám gà 25 kg có giá 231.500 đồng, tăng 7.000 đồng/bao so với đầu năm...

Theo UBND xã Cấn Hữu, từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi trên địa bàn đã tăng khoảng 15%. Do chi phí đầu vào tăng cao nên đàn lợn của xã đã giảm 20% so với trước, hiện cả xã còn 3.800 con lợn và trên 100.000 con gia cầm. Với mức giá cao như hiện nay, người chăn nuôi vẫn có lãi, song ở mức thấp, chỉ khoảng 10% đầu vào cao.

Để người chăn nuôi không bỏ chuồng trại

Có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, với giá thịt lợn ở mức cao như hiện nay và dịch bệnh qua đi, người dân tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi thì các công ty thức ăn chăn nuôi sẽ lại bắt đầu tăng giá tiếp. Vì nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho rằng, mức tăng giá bán sản phẩm vừa qua vẫn thấp so với mức tăng của chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vì thức ăn chăn nuôi chiếm tới 70% giá thành sản phẩm nên nếu thức ăn chăn nuôi tăng giá quá nhanh, làm giảm lợi nhuận của người chăn nuôi có thể dẫn tới hiện tượng người dân bỏ chuồng trại, không đầu tư vào chăn nuôi. Và như thế, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi không thể bán được sản phẩm. Vì vậy, các doanh nghiệp nên cân nhắc quyết định tăng giá.

“Chúng tôi đang tính toán làm sao để hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, không thể để thức ăn chăn nuôi tăng giá quá nhiều ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi, bên cạnh đó phải kiểm soát được chất lượng thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi đang lấy mẫu các loại thức ăn chăn nuôi để kiểm tra” - ông Giao cho biết.

Theo ông Nguyễn Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, cần có chính sách giữ ổn định giá thực phẩm để tạo đầu ra ổn định cho người chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ lãi suất vay vốn cho người chăn nuôi để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh. Đặc biệt, hiện tại đã bước vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điện của các hộ, trang trại chăn nuôi rất cao. Do đó cần ưu tiên nguồn điện cho sản xuất nông nghiệp.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT và Chính phủ đang có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trong đó tập trung cho chính sách khuyến khích chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp. Hiện Bộ đã trình lên Văn phòng Thủ tướng và hy vọng chính sách này sẽ sớm được ban hành, tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành chăn nuôi.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN