Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (PC Thanh Hóa), đợt nắng nóng vừa rồi diễn ra vào tháng 6 năm 2020 và kéo dài nhiều ngày, công suất và sản lượng của công ty đã gần đạt ngưỡng dự báo năm 2020 (xấp xỉ 1.000 MW) và vượt công suất đỉnh năm 2019.
Cụ thể, công suất cực đại ngày 23/6 tăng 38,4 MW (khoảng 4,15%), sản lượng tăng 0,95 triệu kWh (khoảng 4,9%) so với ngày 25/5. Công suất đạt đỉnh biểu đồ thường rơi vào thời điểm từ 13 - 14 giờ và 21 - 23 giờ cho thấy, mức tăng điện năng tiêu thụ chủ yếu do điện sinh hoạt, sử dụng thiết bị làm mát. Chỉ tính trong những ngày cuối tháng 6, đã có 22 máy biến áp bị quá tải trên 100%; có tới 141 máy biến áp đầy tải từ 80 - 100%...
Để đảm bảo cấp điện, PC Thanh Hóa đã thực hiện xong 39 dự án trong số 55 dự án đầu tư - cải tạo lưới điện; trong đó, thực hiện chuyển đổi vận hành lưới 10 kV lên 22 kV được 10/26 dự án giúp nâng cao khả năng truyền tải và chống quá tải cho 32 đường dây 10 kV; 16 dự án còn lại đã thực hiện cải tạo phần đường dây nhưng do chưa có máy biến áp cấp điện áp 22 kV nên chưa thực hiện chuyển đổi vận hành lên 22 kV. Ngoài ra, công ty đã đóng điện toàn bộ 105 trạm biến áp chống quá tải xây dựng mới.
Trước đó, PC Thanh Hóa đã luân chuyển 239 máy biến áp, thực hiện thay thế thiết bị đi kèm máy biến áp như: aptomat, cáp nhất thứ... để đảm bảo vận hành; thực hiện luân chuyển được 3 bộ tụ trung áp và 105 bộ tụ hạ áp để vận hành hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng điện áp; điều chỉnh nấc phân áp tại 395 trạm biến áp phụ tải.
Để đảm bảo cấp điện trong thời gian tới, PC Thanh Hóa sẽ tiếp tục kiểm tra phát nhiệt các mối nối, điểm cung lèo các đường dây mang tải cao, đặc biệt là 2 đường dây 175E9.2 Ba Chè - 171 E9.26 Yên Định và 172 E9.20 Bỉm Sơn - 172E9.4 Hà Trung.
Đối với lưới điện trung áp, sẽ đẩy nhanh tiến độ 16 dự án chuyển lưới 10 kV lên 22 kV còn lại. Với lưới điện hạ áp, công ty sẽ thống kê, theo dõi mang tải máy biến áp phân phối mang tải cao có phương án và thực hiện luân chuyển, san tải máy biến áp phân phối đảm bảo cung cấp điện phụ tải; tăng cường công tác cân đảo pha để giảm số lượng máy biến áp đầy tải, quá tải; giảm số lần nhảy áp tại các trạm biến áp phân phối; tăng cường kiểm tra, xử lý các bộ tụ bù hạ áp giúp giảm tải, nâng cao chất lượng điện áp...
Ông Hà Văn Nam, Phó giám đốc Điện lực Tĩnh Gia thuộc PC Thanh Hóa cho hay, đơn vị đã thực hiện luân chuyên các máy biến áp quá tải đồng thời có các phương án ứng trực, sẵn sàng nhân lực, vật tư khắc phục sự cố trong thời điểm nắng nóng khắc nghiệt. Công ty Điện lực Tĩnh Gia đã đóng điện trạm Tĩnh Gia 2 giúp san tải cho trạm điện Tĩnh Gia 1 và nâng cấp đường dây điện đảm bảo cho người dân trên địa bàn có điện sử dụng ổn định.
Tại địa bàn tỉnh Nghệ An, nắng nóng kèm với sét khiến cho tình hình cung ứng điện tại đây gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Đạt, Phó giám đốc Phụ trách kỹ tuật Điện lực Quỳnh Lưu - Nghệ An, từ đầu hè 2020 đến nay, nắng nóng kéo dài khiến thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhiệt độ cao nhất 41 - 42 độ C. Phụ tải sinh hoạt tăng mạnh, tháng 6 tăng khoảng 33,2% so với thời điểm tháng 5. Đặc biệt tại khu vực Quỳnh Lưu ven biển nuôi trồng chế biến thủy hải sản phát triển mạnh nên phụ tải tăng cao, có khu vực tăng tới hơn 50%.
Điều này gây ra nhiều khó khăn cho việc xử lý, chống quá tải. Bởi khi vào mùa vụ, sử dụng điện của các hộ này thường gây quá tải cục bộ lưới điện, nhưng khi không hoạt động thì lưới điện vận hành non tải. Ngoài ra, là khu vực đồng bằng ven biển nên mật độ sét dày đặc, cường độ lớn, gây ra nhiều sự cố lưới điện.
Tuy nhiên, trong nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho người dân, ngay từ đầu hè, chúng tôi đã chủ động nâng công suất, luân chuyển các máy biến áp non tải, quá tải với nhau; đưa vào 5 trạm biến áp dã chiến. Đồng thời, công ty cũng phối hợp tốt với chính quyền địa phương và nhà thầu thi công, thực hiện giải phóng mặt bằng đưa các trạm biến áp, cải tạo lưới điện hạ...
Trước và trong thời điểm cao điểm hè, công ty cũng tăng cường kiểm tra định kỳ ngày và đêm lưới điện, nhằm xử lý kịp thời các khiếm khuyết, giảm thiểu sự cố, lưới điện vận hành an toàn liên tục, ổn định; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực vật tư để ứng cứu khi có sự cố xảy ra, khắc phục kịp thời cấp điện trở lại cho khách hàng đảm bảo “nhanh nhất, an toàn cho người và thiết bị”...