Khơi thông các thị trường khó Có thể nói, 10 năm lại đây, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng. Năm 2005, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang 36 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 235 triệu USD. Năm 2015, rau quả Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng hơn 7 lần, đạt 1,8 tỷ USD.
Trồng thanh long ruột đỏ hiệu quả, nhờ thay đổi tư duy làm nông nghiệp ở Đồng Tháp. |
Đặc biệt, năm 2016, mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,2 tỷ USD). Về thị trường, Trung Quốc vẫn chiếm thị phần chính với hơn 70%, nhưng có sự tăng trưởng đáng kể ở những thị trường khó tính như: Mỹ (tăng 49%), Australia (39%), Hà Lan (38%), Hàn Quốc (26%), Đài Loan (14%)...
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với cà phê (tăng 33,6% về khối lượng và tăng 25,6% về giá trị), vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su (tăng 10,6% về khối lượng và tăng 9% về giá trị), chè (tăng 7,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị), hạt điều (tăng 5,6% về khối lượng và tăng 18,4% về giá trị), bên cạnh đó xuất khẩu gạo còn giảm 25,8% về khối lượng và giảm 21,2% về giá trị.
Để có được thành tựu trên, trong năm qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ rào cản thương mại, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường để đảm bảo tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp. Đồng thời, triển khai mạnh công tác quản lý vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo hàng hóa nông sản xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp sạch. Hầu hết, các loại nông sản đều được tiêu thụ kịp thời, cơ bản không xảy ra tình trạng ứ đọng, dư thừa.
Thực tế, xuất khẩu rau quả đã tăng trưởng ngoạn mục, thanh long xuất đi thị trường Mỹ tăng 2 lần, nhãn tăng 5,25 lần; xoài xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 2 lần. Đài Loan đã chính thức mở cửa trở lại cho thanh long Việt Nam và đến nay đã xuất khẩu hơn 100 tấn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã đàm phán và dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật cho các mặt hàng rau quả xuất khẩu gồm: xoài xuất khẩu sang Australia; thanh long xuất khẩu sang Đài Loan; nhãn và vải xuất khẩu sang Thái Lan... Năm 2017, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán để vú sữa, xoài xuất khẩu sang Mỹ; thanh long ruột đỏ sang Nhật và vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm sang Hàn Quốc.
Cánh cửa rộng mởNăm 2017, có 2 yếu tố thuận lợi cho nông sản nói chung và ngành rau quả nói riêng. Đó là, thị trường tiêu thụ hàng nông sản được mở rộng do Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do, đang đàm phán 5 Hiệp định mới với trên 50 quốc gia và nền kinh tế. Thứ hai là, giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: “Yêu cầu sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn cũng ngày càng tăng. Những rào cản về kỹ thuật của các quốc gia phát triển sẽ là thách thức cho hàng nông lâm thủy sản Việt Nam. Đây cũng là thách thức lớn đối với nền sản xuất nhỏ ở nước ta không chỉ trong năm 2017, mà còn kéo dài trong những năm tiếp theo”.
Do vậy, “Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ hàng nông sản nói chúng và rau quả nói riêng“, ông Cường cho biết thêm.
Theo Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2017 - 2020, ngành rau quả có hai mặt hàng chủ lực là: xoài và thanh long. Vì các mặt hàng này đáp ứng được các yêu cầu sản xuất trên quy mô lớn, cơ giới hóa cao, có khối lượng và giá trị tiêu thụ lớn, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, để phát huy tối đa giá trị của rau quả, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, ngoài trái cây tươi, các doanh nghiệp có thể tham gia chế biến sâu, sấy khô rau quả, đa dạng hóa sản phẩm để xuất khẩu. Như vậy, còn tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn cho ngành rau quả.