Xuất khẩu rau quả: Tránh lệ thuộc thị trường truyền thống

Theo Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh thị trường xuất khẩu mặt hàng rau quả sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong thời gian tới Việt Nam cần hướng tới các thị trường khác như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, EU... để đa dạng hóa, tránh lệ thuộc trong xuất khẩu.

Bộ Công Thương dự báo: Từ nay đến cuối năm, tại châu Âu, nhu cầu trái cây tươi là 75 triệu tấn, rau tươi là 62 triệu tấn. Các thị trường lớn như: Đức, Pháp, Hà Lan, Anh là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về mặt hàng trái cây nhiệt đới. Thế nhưng, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu chỉ là 0,08% kim ngạch nhập khẩu của châu Âu. Bên cạnh các thị trường chủ lực, trong 2 năm gần đây, một số thị trường mới nổi tiêu thụ lượng lớn trái cây nhiệt đới của Việt Nam là thị trường các nước ASEAN như: Inđônêxia, Xinhgapo, Malaixia chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các chuyên gia thương mại nhìn nhận: Hiện nay, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm các loại quả nhiệt đới như thanh long, dứa, xoài, quả bơ, đu đủ, mít và các loại rau quả đóng hộp và chế biến. Đặc biệt, về trái cây tươi, thanh long của Việt Nam đang được ưa chuộng và là loại quả được giao dịch nhiều nhất, còn về quả chế biến đông lạnh thì dứa là loại quả có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao nhất. Đài Loan, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, Canađa và Trung Quốc vẫn là những thị trường nhập khẩu chính đối với quả nhiệt đới tươi. Giao dịch các loại quả nhiệt đới khác dự báo cũng sẽ tăng nhanh trong những năm tới với tốc độ tăng trưởng cao.

Vận chuyển dứa nguyên liệu vào nhà máy chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Tổng Công ty rau quả, nông sản). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 297,8 triệu USD, tăng 29,8% so với năm 2010. Xuất khẩu rau quả sang các thị trường tăng trưởng mạnh. Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 6 có 49 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, tăng 1 thị trường so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Việt Nam là nước có tiềm năng xuất khẩu rau, quả nhiệt đới, và nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trên thế giới hầu như không bị hạn chế dù yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn trước. Tuy nhiên, theo đánh giá của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu của Việt Nam vẫn đối mặt với những vấn đề như: sản xuất phân tán, năng suất thấp, chưa giải quyết dứt điểm được khâu tạo giống, thu hoạch, bảo quản và chế biến rau quả xuất khẩu cũng như khâu kiểm dịch và công nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các thị trường nhập khẩu.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu Việt Nam, đối với mặt hàng nông sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng, đang gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng rất mạnh từ giữa năm 2010; lãi suất các ngân hàng tăng quá cao; cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ. Phần lớn khâu tổ chức xuất khẩu của các công ty kinh doanh rau quả xuất khẩu còn rất yếu kém, đặc biệt đối với phần rau, quả tươi thì công tác tổ chức thu gom từ vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đúng mức.

Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hiệu quả, Bộ Công Thương cho rằng: Bên cạnh các thị trường truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường. Công tác cung cấp thông tin, khai thác thị trường nhập khẩu cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương (cơ quan đại diện tại nước ngoài) và Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương (các vụ chức năng và đại diện cơ quan thương mại tại nước ngoài), Hiệp hội Rau quả, Tổng Công ty rau quả và nông sản và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu rau quả cần phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá thương hiệu hàng nông sản quốc gia: Bưởi Năm roi, vú sữa, thanh long... ; Phía hải quan cần hỗ trợ bằng cách khi áp thuế thì phân ra theo chỉ tiêu từng mặt hàng như: dứa, thanh long, bưởi, rau, củ, nấm...

Để tạo sự gắn bó lâu dài giữa người sản xuất (nông dân) và nhà chế biến (doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu rau, quả), đề nghị có chính sách khuyến khích nông dân tham gia góp vốn cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có cơ chế bảo hiểm và tái bảo hiểm đối với hợp đồng bao tiêu sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp khi có tổn thất do thiên tai, hoặc sự cố khách quan xảy ra.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN