Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa trong nước gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi cả nước chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt, cụ thể Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã trở thành điểm sáng trong giữ vững chuỗi cung ứng và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Giữ vững thị trường nội địa
Khi nền kinh tế trong và ngoài nước bị tác động bởi dịch COVID-19 đã dẫn đến thực trạng nguồn cung và nhu cầu tiêu dùng bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm... Trong bối cảnh này, thị trường trong nước đã nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế giảm thiệt hại bởi những biến động từ bên ngoài.
Việt Nam đã cơ bản giữ vững nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội căng thẳng. Bên cạnh đó, lĩnh vực thương mại điện tử đã trở thành "cứu cánh" cho thị trường nội địa như một một giải pháp hiệu quả, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm, vừa đảm bảo an toàn, thuận tiện, nhanh chóng.
Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp Việt từ đơn vị sản xuất, phân phối, bán lẻ... đến người kinh doanh nhỏ lẻ, hàng quán... đã kịp thời đa dạng hình thức kinh doanh thích ứng trong điều kiện dịch bệnh. Qua đó, đẩy mạnh bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, giao hàng tận nơi... và kết nối chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng Việt, cũng như "giải cứu" tìm đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản địa phương.
Hơn thế nữa, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Tp. Hồ Chí Minh còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với Tp. Hồ Chí Minh, không chỉ có cơ hội đưa hàng hóa bản địa ra thị trường nội địa, mà từng bước mở rộng xuất khẩu.
Theo đại diện Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn quận có 7 siêu thị, 35 cửa hàng thực phẩm tiện lợi, 987 điểm bán tạp hóa và 11 chợ truyền thống đang hoạt động với tổng diện tích 40.443 m2, quy mô 2.228/3.098 sạp đang hoạt động. Hầu hết những siêu thị, chợ truyền thống và điểm bán tạp hóa này đều bày bán đa dạng chủng loại hàng hóa do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Còn bà Nguyễn Thị Chiên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ cuốc Việt Nam quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” quận đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung Cuộc vận động lồng ghép với những hội nghị của các cơ quan, khu dân cư, mạng lưới bán lẻ; mở rộng kênh tuyên truyền trên trang thông tin điện tử quận, mạng xã hội... Thống kê, trên địa bàn quân Tân Phú đã tổ chức 194 cuộc với hơn 17.500 lượt người tham dự, phát loa lưu động 20 đợt, phát trên 18.000 tờ bướm, đăng 40.073 bản tin, 80 cờ phướn, 57 băng rôn, cụm pano, 27 khẩu hiệu tuyên truyền trên pano điện tử…
"Ngay khi Tp. Hồ Chí Minh trở lại trạng thái bình thường mới sau dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động quận Tân Phú đã thúc đẩy tạo điều kiện cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm đến với người tiêu dùng...", bà Nguyễn Thị Chiên chia sẻ thêm.
Nâng tầm thương hiệu Việt
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh cho hay, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã phát huy vai trò như một chiến dịch nâng tầm thương hiệu Việt, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng và tạo sức bật hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Riêng đối với giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, Cuộc vận động đã tạo được dấu ấn trong việc giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Cụ thể, vai trò quan trọng và rộng khắp của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong giai đoạn năm 2020 và 2021 được minh chứng qua việc giúp người tiêu dùng Việt Nam nhận ra hàng Việt Nam thực sự đáp ứng được các yêu cầu về tiêu dùng, sản xuất và tiếp sức doanh nghiệp vượt qua thách thức thị trường trong bối cảnh dịch bệnh. Đối với doanh nghiệp, vượt qua khó khăn tìm kiếm và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa đảm bảo chất lượng không thua kém với nguyên liệu nhập khẩu.
Đồng quan điểm, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho rằng, với gần 1.000 điểm bán, trải dài khắp 44 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có những thị trường tuyến huyện, thị xã, vùng ven đô, góp phần đưa hàng Việt tiếp cận sâu về địa phương và vùng nông thôn. Trên cơ sở nắm bắt và hiểu biết nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng Việt, Saigon Co.op đã tổ chức nhiều hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, hỗ trợ hướng dẫn thực hiện trồng trọt, chăn nuôi theo đúng quy trình sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm.
Saigon Co.op luôn tiên phong mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng chất lượng tốt, sản phẩm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng với giá cả hợp lý. Những giải pháp này, đã góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, cũng như định hướng, khuyến khích hàng Việt phát triển theo xu hướng chung của thị trường toàn cầu.
Liên quan đến Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cuộc vận động nhấn mạnh, trong điều kiện thị trường ngày càng có nhiều sự tham gia cộng đồng doanh nghiệp lớn nước ngoài, nhu cầu của người dân ngày một cao hơn, do đó cả hệ thống chính trị cần phải quyết liệt hơn nữa trong thực hiện Cuộc vận động để tối ưu hiệu quả. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tạo cơ chế, hành lang pháp lý ổn định, đổi mới phương thức tuyên truyền, giúp cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin về Cuộc vận động.
Trong đó, đổi mới công tác chỉ đạo và phương thức hoạt động nhằm tăng cường trách nhiệm trong từng thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động địa phương, nhất là tổ chức giới thiệu sản phẩm công nghệ mới, ngành hàng thuộc lĩnh vực sản phẩm chủ lực của thành phố nhằm thúc đẩy nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa Việt. Ngoài ra, hướng đến mục tiêu người dân tiếp tục ưu tiên dùng hàng Việt, doanh nghiệp tiếp tục cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ, nâng cao chất lượng và mẫu mã để giúp “Hàng việt chinh phục người Việt” và lâu dài hình thành văn hóa của người Việt Nam “Người Việt dùng hàng Việt vì chất lượng sản phẩm Việt và lòng tự tôn, tự hào dân tộc”.