Điểm lại thị trường nông sản tuần qua

Thị trường nông sản thế giới tuần qua, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động ngược chiều nhau.

Thị trường nông sản Mỹ:

Trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động ngược chiều nhau trong phiên ngày 15/1, trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch đậu tương tại trang trại ở Scribber, bang Nebraska, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá ngô giao tháng 3/2021 giảm 2,75 xu Mỹ (0,51%) xuống đóng cửa ở mức 5,315 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 13,75 xu Mỹ (0,96%) xuống 14,1675 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 3/2021 tăng 5,5 xu Mỹ (0,82%) lên 6,755 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago lưu ý giá ngô và đậu tương giảm do hoạt động bán ra chốt lời trước kỳ nghỉ lễ cuối tuần kéo dài ba ngày của Mỹ, trong khi đó giá lúa mỳ tăng do chính sách thuế xuất khẩu sắp tới của Nga.

Trong tuần này, giá đậu tương trên sàn CBOT đã tăng khoảng 45 xu Mỹ, giá ngô tăng 35 xu Mỹ còn giá lúa mỳ tăng 27 xu Mỹ. Ba mặt hàng nông sản chủ chốt trên sàn CBOT đều ghi nhận các mức cao mới trong 6-7 năm qua.

Nga dự kiến sẽ thông qua mức thuế xuất khẩu 1,65 USD/bushel, bắt đầu từ ngày 1/3 và kéo dài đến tháng 6/2021. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính rằng Nga sẽ xuất khẩu 39 triệu tấn lúa mì, cao hơn so với ước tính 31-33 triệu tấn của thị trường. Với thuế xuất khẩu của Nga, AgResource cho rằng không có khả năng giá lúa mỳ giao tháng 3/2020 giảm dưới mức 6,35 USD/bushel, khi các nhà nhập khẩu thế giới tìm tới lúa mỳ Mỹ.

Trong khi đó, tình hình thời tiết dự kiến sẽ khô hạn ở Trung/Nam Argentina. Trong vài ngày tới, sẽ có mưa đáng kể ở các khu vực sản xuất cây trồng chính ở Argentina trước khi tình trạng khô hạn trở lại trong 7-8 ngày và kéo dài khi nhiệt độ ấm lên.

Thị trường gạo thế giới:

Giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ giao dịch ở mức cao của bốn tháng trong tuần này, trong khi đó đồng baht mạnh lên đã đẩy giá gạo Thái Lan lên mức “đỉnh” của 8 tháng.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại nhà máy xay xát gạo ở Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức 383-390 USD/tấn, giữ ở mức cao nhất kể từ tháng 9/2020.

Một nhà xuất khẩu từ Kakinada ở bang Andhra Pradesh của Ấn Độ cho biết, nguồn cung từ vụ Hè Thu đang tăng lên nhưng giá trong nước vẫn ổn định do nhu cầu xuất khẩu tốt và lượng gạo mua từ các cơ quan do nhà nước điều hành tăng lên.

Việt Nam cũng đã bắt đầu mua gạo từ Ấn Độ lần đầu tiên sau nhiều thập niên, trong bối cảnh mức giá tăng cao và nguồn cung trong nước thấp.

Giá gạo 5% của Việt Nam không đổi ở mức 500-505 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 12/2011.

Tuy nhiên, một thương lái tại Tp.HCM cho biết “doanh số bán vẫn chậm do thương lái đang chờ đợi vụ thu hoạch Đông-Xuân”.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020 giảm 1,9% xuống 6,26 triệu tấn, song doanh thu xuất khẩu tăng 11,2%. Điều này là do giá gạo Việt Nam năm 2020 cao hơn, và cũng do nông dân đang chuyển hướng tăng tỷ trọng gạo thơm có chất lượng cao hơn và có giá tốt hơn.

Thị trường gạo toàn cầu đang phải vật lộn với sự gián đoạn dịch vụ logistics tại các cảng lớn, trong khi xu hướng tích trữ lương thực trên toàn thế giới đang thúc đẩy nhu cầu.

Các thương nhân tại Bangkok cho hay giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 520-525 USD/tấn so với mức 515-520 USD/tấn trong tuần trước, do đồng baht mạnh, trong khi nhu cầu ở nước ngoài vẫn không đổi.

Thị trường cà phê thế giới:

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng trong tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn London đóng cửa ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2021. Giá cà phê Arabica có lúc được đẩy lên rất cao, nhưng chốt phiên với mức tăng nhẹ. Cụ thể, giá cà phê Robusta giao tháng 3/2021 tại London (Anh) tăng 21 USD/tấn (1,58%), giao dịch ở mức 1.353 USD/tấn, còn giá cà phê Arabica giao tháng 3/2021 tại sàn New York (Mỹ), tăng 0,8 xu Mỹ/lb (0,63%) lên 128,15 xu Mỹ/lb.

Thông tin Trung Quốc áp đặt biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19 tại tỉnh Hồ Bắc khiến giá nông sản nói riêng và thị trường tài chính nói chung bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong bối cảnh đó, các thị trường nông sản đều đỏ sàn, tuy vậy riêng hai sàn cà phê vẫn tiếp tục tăng đều.

Tại thị trường cà phê trong nước, giá cà phê ngày 16/1 được thu mua với mức 32.000 đồng/kg ở huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng). Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 32.300 đồng/kg (Chư Prông); ở Pleiku giá 32.400 đồng/kg. Còn cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua hôm nay với mức 32.300 đồng/kg.
 
Vụ cà phê năm 2020 của Việt Nam bị mất mùa và thu hoạch muộn hơn so với các năm trước nên chưa tạo áp lực lên thị trường. Trong vụ mùa năm nay, kỹ thuật thu hái và phơi sấy sau thu hoạch đã được quan tâm nhiều hơn, tạo động lực đẩy giá cà phê đi lên.

Thị trường trong nước giao dịch trầm lắng do nhu cầu yếu, nguồn cung tăng do hiện đang trong thời gian thu hoạch. Giá ở mức thấp nên người dân chưa bán ra nhiều.

Minh Hằng/TTXVN (Tổng hợp)
Hiệp định RCEP: Cơ hội phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra thế giới
Hiệp định RCEP: Cơ hội phát triển chuỗi giá trị nông sản Việt ra thế giới

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ hội tốt để Việt Nam đầu tư phát triển và đẩy mạnh chuỗi giá nông sản ra khu vực và thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN