Dịch cúm gia cầm có thể còn diễn biến phức tạp

Theo nhận định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều qua (23/2), thời gian tới, dịch cúm gia cầm có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương.

Diễn biến phức tạp

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 23/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 36 xã, phường của 29 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố là: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam.

Về tình hình dịch cúm A/H5N1 trên người, từ đầu năm đến nay đã có 2 trường hợp tử vong do nhiễm cúm tại Sóc Trăng và Kiên Giang.

Rắc vôi bột khử trùng tại trại giống của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Vạn Phúc (Viện Chăn nuôi). Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, hiện nay, thời tiết bất lợi và diễn biến bất thường đang làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm. Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển, giết mổ gia cầm của người dân trong mùa lễ hội ở các địa phương tăng cao, nhiều đàn gia cầm đã hết miễn dịch mà chưa có vắcxin phù hợp... Do vậy, trong thời gian tới dịch có thể vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác tại nhiều địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, các tỉnh phía Nam có mưa to, không theo quy luật thời tiết thông thường, nên dịch bệnh gia súc gia cầm càng thêm nguy hiểm.Qua kiểm tra giám sát tại 30 tỉnh, phát hiện tỷ lệ lưu hành virút cao hơn so với nhiều năm trước.

Đặc biệt, từ giữa năm 2011, với chủng virút 2.3.2B, khi sử dụng vắcxin đã không có hiệu quả, Bộ NN&PTNT đã báo cáo đề xuất dừng tiêm vắcxin.

Quyết tâm chống dịch

Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay việc tiêm phòng chỉ tốt với nhánh 1 ở đồng bằng sông Cửu Long nên chỉ cấp đủ cho các tỉnh này. Vấn đề là phải tiêm phòng như thế nào cho hiệu quả. Còn các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên, hiện nay chủng cũ 2.3.4 và nhánh 1 không còn nữa nên tiêm phòng không hiệu quả. Đối với nhánh 2.3.2 A, tỷ lệ bảo hộ phòng thí nghiệm 70%, thực địa 30 - 40%, nên cần cân nhắc tỷ lệ bảo hộ.

Về phía Cục Thú y, ông Năm cho biết, cuối tháng 2 sẽ hoàn thành lấy mẫu cúm tại địa phương, cuối tháng 3 hoàn thiện thêm các mẫu phát sinh. Trong tuần sau, Cục sẽ tổ chức hội nghị tư vấn kỹ thuật về sử dụng vắcxin để Bộ có điều chỉnh trong sử dụng vắcxin cúm gia cầm.

Còn theo ông Trần Anh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống y tế tăng cường giám sát.

Trước mắt, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết, đã có 7 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập, ngày 25/2 kết thúc nhiệm vụ nhưng sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đến ngày 15/3.

Về phía địa phương, ông Tần cho rằng cần thành lập các đoàn xuống kiểm tra tận xã, huyện. Ban Chỉ đạo Bộ đã triển khai tháng tiêu độc khử trùng, là một trong những biện pháp giảm bớt cúm gia cầm, vấn đề hiện nay ở cấp cơ sở là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân.

Tại khu vực phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, virút đang có sự biến đổi phức tạp, các tỉnh cần theo dõi giám sát, khi có gia cầm chết nghi nhiễm cúm gia cầm thì phải tiêu hủy ngay và lấy mẫu gửi về xét nghiệm. Không giấu dịch, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng để được hỗ trợ về chuyên môn kể cả vắcxin, hóa chất khử trùng để bao vây ổ dịch. Vùng nguy cơ rất cao thì ưu tiên tiêm phòng ngay. Cục Thú y tiếp tục bổ sung thêm vắcxin cúm gia cầm.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN