Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Ban tổ chức
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Cục Điện lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc và miền Trung, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI). Cuộc họp được ông Vũ Xuân Khu - Phó Tổng giám đốc Công ty NSMO - chủ trì.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Khu đã cảnh báo rằng bão số 3 - Wipha có đặc điểm tương tự như bão số 3 - Yagi xảy ra vào năm 2024, khi toàn bộ tỉnh Quảng Ninh bị cô lập thông tin trong thời gian dài do mất điện và mất liên lạc. Ông Khu cho biết nhiều tổ máy nhiệt điện than đã gặp sự cố hoặc phải ngừng máy do gián đoạn hệ thống cấp nhiên liệu, mất điện tự dùng và sự cố lưới điện. Theo ông Khu, đây là tình huống nghiêm trọng, gây khó khăn cho cả hệ thống điều độ trung tâm và các trạm vận hành tại chỗ.
Ông Khu cũng nhấn mạnh rằng tình trạng đó có thể tái diễn nếu không được chuẩn bị kỹ về phương tiện liên lạc và nguồn điện tự dùng tại chỗ, đồng thời cho biết nhiều trạm 220kV hiện sử dụng hệ thống điều khiển xa, nếu xảy ra sự cố mất điện diện rộng, việc thao tác tái lập có thể bị chậm trễ. Vì vậy, ông Khu yêu cầu xây dựng phương án vận hành linh hoạt và chủ động tái lập ca trực tại những trạm quan trọng, nhất là tại khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão.
Trước diễn biến phức tạp của bão, các phòng ban và đơn vị của NSMO đã chủ động triển khai các bước chuẩn bị nhằm đảm bảo an toàn và sẵn sàng ứng phó. Cụ thể, các đơn vị đã lên phương án bố trí lực lượng trực ca tăng cường, đặc biệt là đối với các tổ và đội có nhiệm vụ ứng trực tại chỗ.
Đồng thời, các đơn vị cũng đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống phương án ứng phó khẩn cấp, nhằm đảm bảo các kênh thông tin liên lạc chính và dự phòng vẫn hoạt động tốt và sẵn sàng trong mọi tình huống, kể cả khi mất tín hiệu kênh truyền thống hoặc mạng Internet.
NSMO cho biết đơn vị đã chủ động lên phương án huy động nguồn điện nhằm đảm bảo khả năng tự chủ của từng miền với mức dự phòng cao, bảo đảm vận hành an toàn hệ thống trong các tình huống cực đoan hoặc khi xảy ra sự cố lưới điện liên kết giữa các miền. Các đơn vị của NSMO cũng khẳng định rằng những bài học từ các cơn bão mạnh năm 2024 đã được rút kinh nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh bão Wipha có thể đạt cấp 14-15 và gây nguy cơ mất điện diện rộng, dẫn tới tách lưới.
NSMO thông tin rằng đơn vị đã hoàn tất việc kiểm tra hạ tầng kỹ thuật tại các điểm trọng yếu như trụ sở chính và trung tâm điều độ.
Ngoài ra, đội ngũ theo dõi bão đã thực hiện cập nhật bản tin dự báo thời tiết ba tiếng một lần, bắt đầu từ chiều ngày 21/7 cho đến trưa ngày 23/7 - thời điểm dự kiến bão đi qua. Những bản tin này sẽ được gửi đến các bộ phận vận hành nhằm chủ động điều chỉnh phương thức vận hành và kịp thời ứng phó. NSMO cũng cho biết hệ thống giám sát đường đi và cường độ bão đã được thiết lập để đảm bảo thông tin liên tục và chính xác.
Vì tâm bão được xác định sẽ đổ bộ khu vực miền Bắc, ông Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc cho biết, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị để rà soát toàn bộ các điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trạm biến áp và đường dây truyền tải, nhằm đảm bảo luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng phó với sự cố và khôi phục nhanh nhất các phần tử sự cố.
Tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung, đơn vị này cũng đã hoàn tất việc rà soát các kênh thông tin liên lạc chính và dự phòng, hệ thống camera giám sát và các thiết bị phát điện dự phòng tại trung tâm điều khiển, đảm bảo sẵn sàng xử lý các tình huống mất mạng Internet hoặc sự cố hệ thống giám sát - điều khiển.
Đại diện EVNNPT cho biết: Tổng công ty đã ban hành công điện chỉ đạo các Công ty Truyền tải điện 1, 2 và các Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, miền Trung nhằm đảm bảo 100% các Trạm 500kV và toàn bộ trạm 220kV tại khu vực có nguy cơ đã được tái lập ca trực đầy đủ.
Trong khi đó, đại diện EVNHANOI thông tin rằng Tổng công ty đã yêu cầu toàn bộ các đơn vị trực thuộc chuẩn bị sẵn sàng các phương án vận hành. 100% đơn vị đã hoàn tất công tác tái lập ca trực tại các trạm biến áp 110kV, đồng thời chuẩn bị xe chuyên dụng, phương tiện và máy phát điện di động. Những điểm có nguy cơ ngập lụt đã được kiểm tra và gia cố hệ thống chống ngập.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, ông Vũ Xuân Khu đã đề nghị các đơn vị chủ động cung cấp danh sách lãnh đạo, ca trực tại các trạm điện, nhà máy điện và các đầu mối liên lạc dự phòng trong tình huống mất liên lạc di động.
Ông Khu cũng yêu cầu thiết lập cơ chế thông tin hai chiều giữa trung tâm điều độ và các đơn vị vận hành để đảm bảo điều hành xuyên suốt.
Ông Vũ Xuân Khu cho rằng đây là một cơn bão lớn có thể ảnh hưởng đến toàn ngành điện, khi nhiều nhà máy điện và trạm điện có nguy cơ mất điện, vì vậy cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng với các phương án sẵn sàng xử lý sự cố.
Ông Khu cũng đề nghị xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó trong tình huống hệ thống điện bị phân tách, đặc biệt tại đoạn đường dây 500kV Nho Quan – Nghi Sơn. Phương thức vận hành cần được thiết lập theo nguyên tắc cân bằng công suất từng miền nhằm đảm bảo ổn định tần số và duy trì vận hành an toàn cho từng phần hệ thống khi xảy ra sự cố phân tách.
Cuối cùng, ông Khu nhấn mạnh: Công tác ứng trực phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động xử lý sự cố để tránh lan rộng, đồng thời phải nhanh chóng khôi phục nguồn điện tự dùng cho các nhà máy nhiệt điện và các trạm biến áp quan trọng nếu xảy ra sự cố mất điện tự dùng.