Dịch COVID-19 tác động mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng

Ngày 29/10, tại lễ sơ kết 9 tháng năm 2021 với các hội viên thuộc nhóm công ty tài chính, Hiệp hội Ngân hàng cho biết, trong những năm qua, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60 - 70% tổng tăng trưởng kinh tế, nhưng đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng.

Hiện nay, Hiệp hội Ngân hàng có 12 công ty; trong đó, có 8 công ty là hội viên chính thức, 4 công ty là hội viên liên kết thuộc nhóm hội viên là các công ty tài chính. Tổng vốn điều lệ của các công ty tài chính hội viên là 22.195 tỷ đồng, tăng trên 21% so với tổng vốn điều lệ năm 2020 và chiếm gần 80% tổng vốn điều lệ của toàn khối các công ty tài chính. Công ty đứng đầu về vốn điều lệ là công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE CREDIT) với 10,928 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, tổng tài sản các công ty tài chính hội viên đến cuối tháng 9/2021 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu bình quân từ 9 - 10%, trong khi tỷ lệ này vào thời điểm cuối năm 2020 khoảng 6% và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng.

Từ đầu năm 2021 đến nay, để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các công ty tài chính cùng các tổ chức tín dụng luôn đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thực thi các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Đồng thời, thực hiện cơ cấu lại nợ, xây dựng mức lãi suất phù hợp và rất nhiều khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi của các công ty.

Cụ thể, một số công ty như: FE CREDIT có tới 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng được hưởng lãi suất ưu đãi. Lotte Finance cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 468 khách hàng với dư nợ 13,9 tỷ đồng, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đối với 467 khách hàng với dư nợ 10,9 tỷ đồng. Công ty Mirae Asset đã hỗ trợ miễn giảm lãi cho 4.759 khách hàng với tổng số tiền lãi được miễn, giảm là 7,43 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.430 khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay với tổng dư nợ đã được cơ cấu lại là 45 tỷ đồng...

Đại diện công ty FE CREDIT cho biết, thời gian vừa qua công ty được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 11.000 tỷ đồng, giúp hệ số an toàn vốn của công ty ở mức cao là 20%.

“Đây có thể coi là một bộ đệm để giúp các đối tác của FE CREDIT yên tâm về chủ sở hữu trong việc đảm bảo vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. Cùng với đó, ngày 28/10 vừa qua, thỏa thuận bán 49% vốn điều lệ tại FE CREDIT cho SMBC đã chính thức hoàn tất. Nhờ vậy, nguồn vốn mà ngân hàng mẹ thu về sẽ tiếp tục được đưa vào hoạt động kinh doanh để gia tăng quy mô”.

Tuy nhiên, FE CREDIT cho rằng, với cơ chế áp trần tăng trưởng tín dụng như hiện nay thì việc phát triển mở rộng với các công ty tài chính tiêu dùng nói chung và FE CREDIT nói riêng sẽ là một thách thức lớn.

Bên cạnh đó, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát cũng khiến các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn như khả năng thanh toán khoản vay của các khách hàng.

Do đối tượng khách hàng chủ yếu là người lao động có thu nhập thấp, công nhân viên, tiểu thương... và là nhóm khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 nên doanh số giải ngân và thu nợ của các công ty tài chính suy giảm, có đơn vị tăng trưởng âm. Ngoài ra, việc phân loại nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc rất lớn và đang được thực hiện thủ công, không có phần mềm phù hợp. Điều đó gây khó khăn khổng nhỏ cho cán bộ nhân viên và khó tránh khỏi xảy ra sai sót trong quá trình xác định nhóm nợ khách hàng.

Đặc biệt, các công ty tài chính cũng lúng túng bởi những vướng mắc liên quan đến các văn bản pháp quy như: chưa có cơ chế phân loại rõ ràng cho vay tiêu dùng và vay phục vụ đời sống; quy định về tổng dư nợ và tỷ lệ tối đa cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng cũng chưa phù hợp với nhu cầu người vay; quy định về điểm giới thiệu dịch vụ làm hạn chế kênh tiếp cận khách hàng; quy định về chỉ tiêu an toàn, tỷ lệ nợ xấu; quy định nội bộ chưa phù hợp với đặc thù và tính chất hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng và mức độ rủi ro của khách hàng…  

Vì vậy, các công ty tài chính cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh các quy định, chỉ tiêu an toàn cho phù hợp với đặc thù hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; xem xét tỷ lệ nợ xấu đối với nhóm công ty tài chính. Đồng thời, điều chỉnh lộ trình giảm tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Qua đó, đáp ứng yêu cầu thiết thực của người dân để giúp họ không tìm đến “tín dụng đen” trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường.

Theo đại diện FE CREDIT, trong lộ trình chuyển đổi số có nhiều công ty tài chính đã thực hiện giao kết hợp đồng với khách hàng bằng điện tử, sử dụng chữ ký điện tử và eKYC. Do đó, FE CREDIT rất mong sớm ban hành khung pháp lý riêng cho hoạt động điện tử của các công ty tài chính nhằm giúp họ yên tâm hoạt động và được bảo vệ khi xảy ra những rủi ro.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng sẽ chủ động hơn nữa trong việc đưa ra đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong việc xây dựng, sửa đổi, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức hội viên.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng sẽ tổng hợp, chia sẻ vướng mắc và hướng xử lý hoặc đưa ra cảnh báo tới các tổ chức hội viên để tham khảo, rút kinh nghiệm và phòng tránh, hạn chế rủi ro.

Thùy Dương (TTXVN)
Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử
Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử

Cuối năm là thời điểm hoạt động khuyến mãi kích cầu mua sắm diễn ra sôi động, nhất là tại các trang thương mại điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN