Dệt may đón cơ hội mới

Việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Thuế giảm về 0%

Ngày 2/12, tại Brúc-xen (Bỉ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Cao ủy Thương mại liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstrom đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh, trong đó có dệt may. Hiện tại, EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Dệt may là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của ta sang EU, do đó chắc chắn sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ EVFTA bởi hiệp định này sẽ xóa bỏ hầu hết thuế cho ngành hàng dệt may.

Công ty cổ phần may Hồ Gươm chuyên may quần áo các loại, mỗi năm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu hàng chục triệu sản phẩm, hiện công ty có 10 nhà máy ở nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình…, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 4.000 lao động. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Dệt may vào EU hiện nay chịu thuế quan trung bình 11 - 12%, khi có hiệp định sẽ giảm xuống 0%. Việc EU giảm thuế đối với hàng may mặc của Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu với mức trung bình trên 20% (EU hiện nhập khẩu khoảng 14% tổng kim ngạch dệt may của Việt Nam).

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên cho biết: “Mỗi năm chúng tôi xuất khẩu vào thị trường EU đạt kim ngạch khoảng 280 triệu USD. Nếu như có khoảng 40% mặt hàng được giảm thuế bằng 0% thì tương đương với 100 triệu USD tiền hàng được giảm thuế, với thuế suất bình quân khoảng 17%, chúng tôi sẽ được giảm đi 17 triệu USD tiền thuế. Đó là con số rất đáng mừng”.

Để nắm bắt cơ hội này, nhiều doanh nghiệp đã trong tư thế sẵn sàng. Đại diện Công ty TNG, một trong những công ty may của Việt Nam dự tính sẽ thuê thêm một khu đất mới để mở xưởng may tại thành phố Thái Nguyên, nâng tổng số nhà máy may của công ty này lên con số 12. Trước đó, TNG đã khánh thành 2 dây chuyền sản xuất bông để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy của mình. Điều mà doanh nghiệp đang cố gắng nắm bắt chính là cơ hội rất lớn từ các FTA đa phương và song phương đã và sẽ được ký kết. Định hướng của công ty là học tập theo UniQlo, thương hiệu dệt may nổi tiếng của Nhật Bản, nghĩa là tập trung vào những sản phẩm phổ thông dành cho đa số chứ không nhắm đến sản phẩm đắt tiền chỉ dành cho số ít.

Còn Tổng công ty Dệt may Hà Nội (HANOSIMEX) cũng đang phấn đấu để từ nay đến cuối năm sẽ xây thêm một nhà máy nữa, tăng gấp đôi sản lượng sợi với chất lượng tốt hơn để chuẩn bị đón đầu cơ hội khi FTA EU - Việt Nam được thực thi.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn cho rằng, nếu DN không chuẩn bị tốt sẽ bị lỡ nhịp, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh. Ông Hùng cho biết, các DN dệt may đã quen với hội nhập quốc tế thông qua WTO và muốn thành công trong hội nhập, không chỉ tập trung vào sản xuất mà còn cần đầu tư cho khâu phân phối.

Đáp ứng yêu cầu xuất xứ

Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các DN cần đáp ứng các điều kiện như nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong ngành dệt may, EVFTA đòi hỏi nguyên tắc xuất xứ thấp hơn một chút so với TPP là “từ vải trở đi” thay vì “từ sợi trở đi”. Nguyên tắc xuất xứ có thể gây khó bước đầu nhưng về dài hạn có thể giúp Việt Nam tăng năng lực nếu biết cách đầu tư.

Thực tế, bất cập lớn nhất của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng là khâu cung cấp nguyên, phụ liệu đầu vào. Khâu dệt vải tạo ra khoảng 1,5 tỉ mét vải/năm (chỉ chiếm 18% nhu cầu), còn lại nhập khẩu tới 6,7 tỉ mét, chiếm trên 80% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…

Trường hợp phải nhập nguyên liệu, FTA Việt Nam - EU yêu cầu phải nhập trong nội khối và thêm trường hợp ngoại lệ là Hàn Quốc (một đối tác FTA khác của EU) để được hưởng thuế suất 0%. Do đó, để hưởng lợi nhiều hơn từ EVFTA, ngành dệt may cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực dệt vải và chuyển hướng nhập nguyên liệu vải từ các nước trong khối thay vì Trung Quốc.

Thời gian qua, các DN trong nước đã tập trung đầu tư vào các khâu sản xuất nguyên phụ liệu, tiêu biểu là tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Tuy nhiên, do tiềm lực về vốn, công nghệ, quản trị còn hạn chế nên các DN trong nước đang bị các doanh nghiệp FDI lấn lướt. Theo các chuyên gia, thời gian trước mắt có thể khuyến khích các DN FDI đầu tư vào khâu nguyên phụ liệu, các DN trong nước tận dụng nguồn nguyên phụ liệu đó để dệt may. Tuy nhiên về lâu dài, các DN nội địa cũng cần đầu tư đến lĩnh vực này trong phạm vi khả năng của mình.

DN FDI đương nhiên được hưởng lợi từ FTA mà Việt Nam tham gia, song cũng giúp Việt Nam giải quyết được một số vấn đề mấu chốt về việc làm; tạo điều kiện để các DN trong nước học hỏi kinh nghiệm quản lý, nắm được công nghệ; tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển các lĩnh vực khác…

Để DN Việt Nam hưởng lợi từ EVFTA tăng dần theo thời gian, Nhà nước cần hỗ trợ DN thông qua các biện pháp như: Quy hoạch các khu công nghiệp sản xuất dệt may lớn tại ba miền để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu vực này; có chính sách thu hút công nghệ tiên tiến, hạn chế các thiết bị, công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, các DN mạnh trong nước cần phối hợp triển khai một số dự án lớn tại các trung tâm dệt may của cả nước…
Hoàng Dương
Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may
Khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu ngành dệt may

Hiện nay, chỉ một số ít các DN quy mô lớn và DN FDI là có các dự án nguyên phụ liệu nhằm đón đầu hiệp định TPP. Trong khi các DN dệt may Việt Nam chủ yếu là DN quy mô nhỏ, vốn ít nên việc đầu tư cho các dự án cung ứng nguyên liệu còn rất nhiều khó khăn. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Giang (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN