Giảm đầu mối kê khai thuế
Theo Bộ Công thương, TMĐT tại Việt Nam đang phát triển nhanh, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20 - 25%/năm. Doanh thu thuế từ TMĐT tăng mạnh. Năm 2023, doanh thu đạt gần 97.000 tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Dự báo năm 2024, lần đầu tiên thu thuế TMĐT sẽ vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như: Google, Facebook, Amazon.
Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều biện pháp như: Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế, phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ dữ liệu và kết nối với UBND các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu từ các ngành ngân hàng, viễn thông được đồng bộ, giúp việc quản lý và thu thuế đạt hiệu quả cao.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết: Việc chủ sàn TMĐT có trách nhiệm khấu trừ khai thuế thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT sẽ giúp giảm đầu mối kê khai thuế; giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thay vì hàng chục nghìn cá nhân trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế, chỉ cần một đầu mối là sàn giao dịch TMĐT khai, nộp thuế thay.
Thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT. Tổng cục Thuế đã ban hành "Thư ngỏ" gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT tại Việt Nam để nộp thuế đối với hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số; cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn về việc đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc.
Ngoài ra, ngành Thuế sẽ xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT; áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế; tiếp tục thanh tra, kiểm tra các tổ chức, các nhân kinh doanh TMĐT, doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh TMĐT và các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán…
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông – TT&TT) cho rằng, về kết nối các cơ sở dữ liệu, quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế liên quan đến cơ sở dữ liệu về hóa đơn, cơ sở dữ liệu về thuế. Cơ sở dữ liệu thứ hai quan trọng là cơ sở dữ liệu các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động TMĐT. Cơ sở dữ liệu thứ ba là cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kết nối toàn bộ hệ thống tài khoản của tổ chức, cá nhân để bảo đảm dòng tiền thông suốt.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu của Bộ TT-TT gồm: Cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh - truyền hình; truyền hình trả tiền trong nước và xuyên biên giới; các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo; cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát; cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp công nghệ số, sản xuất các thiết bị; cơ sở dữ liệu liên quan đến các website có tên miền .vn, có liên quan đến điện tử...
Cuối cùng là cơ sở dữ liệu của Bộ Công an với hệ thống Ứng dụng định danh điện tử (VNeID), có thể gắn kết được các chủ doanh nghiệp với VNeID, giúp dữ liệu được xác thực thông suốt. Toàn bộ được thực hiện trên các nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu Quốc gia, bộ, ngành, địa phương.
Sớm hoàn thiện chính sách thuế
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đề xuất, cần sớm hoàn thiện chính sách thuế để chống thất thu thuế TMĐT.
Đề cập Việt Nam vẫn còn thất thu lớn từ những "ông lớn" như: Google, Facebook, YouTube… khi số thu thuế nhà thầu thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay chỉ quanh ngưỡng 1.000 tỷ đồng, trong khi doanh thu của những doanh nghiệp này là hàng tỷ USD/năm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh thu từ những nền tảng này ở Việt Nam lớn, nhưng lượng thuế nộp hiện chưa tương xứng. Việt Nam cần phải có cơ sở thống kê dữ liệu, các kho dữ liệu lớn và các phương pháp quản lý, để đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế.
"Theo Bộ TT&TT, thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 - 1,9 tỷ USD hàng hóa qua biên giới không phải đóng thuế. Bình quân một ngày có khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng được 'miễn' thuế. Như vậy. cơ chế chính sách đang không phù hợp", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo chuyên gia này, việc hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay. Năm 2010, với Quyết định 78, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản thu nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. "Nhưng hiện nay, không nên thực hiện chính sách miễn nữa. Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu, phục vụ cho cơ quan thuế thu đúng, thu đủ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ an sinh xã hội”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất.