Nội dung đang được Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.
Đây là phương án được đưa ra nhằm kịp thời thời ứng phó từ sớm, từ xa với các tình huống xảy ra khi khi các cơ quan tố tụng kết thúc xét xử và ban hành bản án tới đây sẽ có nhiều đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ và nhiều trung tâm đăng kiểm sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng theo quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.
Trong khi đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam dự báo, số lượng phương tiện kiểm định dự kiến giảm mạnh trong tháng 8/2024 (tháng 7 Âm lịch) nhưng sẽ gia tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Đặc biệt khi trùng với thời điểm có hiệu lực các bản án của tòa án sẽ dẫn tới ùn tắc phương tiện đến kiểm định.
Theo báo cáo sơ bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tại Hà Nội có tới 55% đăng kiểm viên bị khởi tố và con số này tại Tp. Hồ Chí Minh khoảng 40%.
Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tại một số địa phương gồm Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh) trao đổi, làm việc với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) để chuẩn bị phương án tăng cường lực lượng trong tình huống xấu nhất để đảm bảo duy trì hệ thống kiểm định phục vụ nhu cầu kiểm định chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Kết quả trên toàn quốc hiện có 275/295 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động với 448/547 dây chuyền kiểm định. Hoạt động kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm đã trở lại bình thường, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian qua, người dân đã từng bước thay đổi nhận thức về hoạt động kiểm định xe cơ giới, chủ động kiểm định xe sớm và linh hoạt tại các nơi chưa có tình trạng ùn ứ. Đồng thời, chủ phương tiện đã chủ động sửa chữa hư hỏng trước khi kiểm định, tra cứu và nộp phạt nguội để tạo thuận lợi cho việc kiểm định, tiết kiệm thời gian và chi phí.