Việc cải tạo, nâng cấp sân bay Vinh sẽ giúp đảm bảo an toàn bay, nâng cao năng lực khai thác các tàu bay mới, hiện đại như Airbus A320/A321, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Thời gian thực hiện từ sau Tết Nguyên đán 2025 đến trước cao điểm hè 2025.
Theo ACV, từ năm 1993 - 2000, sân bay Vinh được đầu tư sửa chữa và đưa vào khai thác. Từ năm 2001 - 2003, sân bay Vinh được đầu tư xây dựng kéo dài, mở rộng đường cất hạ cánh, tiếp nhận được các loại máy bay Airbus A320, A321 có giảm tải hoặc tương đương.
Theo báo cáo kết quả kiểm định, đánh giá hiện trạng của Công ty TNHH Một thành viên thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không ADCC, hiện đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Vinh đã bị xuống cấp, hết tuổi thọ thiết kế.
Mặt đường bê tông nhựa đã xuất hiện các loại hư hỏng điển hình như bề mặt bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe; nứt dọc, nứt rạn chân chim; bong bật cốt liệu bê tông nhựa… theo vệt lăn càng trước và càng sau của máy bay, ảnh hưởng đến an toàn khai thác.
Hơn nữa trong những năm vừa qua, lượng hành khách qua sân bay Vinh có sự tăng trưởng nhanh và bền vững, giai đoạn 2015-2019 tăng trung bình 15%, riêng năm 2022, lượng hành khách đạt hơn 2,6 triệu.
Để đảm bảo khai thác an toàn, bền vững, lâu dài và khai thác được các tàu bay mới hiện đại như Airbus A320/A321 đầy tải, ACV đề nghị cải tạo, sửa chữa đường cất, hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu; xây dựng dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh, kích thước 100x60m; cải tạo, sửa chữa dải bảo hiểm đầu, dải bảo hiểm sườn đồng bộ…
Đường cất hạ cánh được đề xuất sử dụng giải pháp kết cấu mặt đường là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để sự hư hỏng xuống cấp, kéo dài tuổi thọ và hạn chế các điều kiện bất lợi của thời tiết.
Kinh phí dự kiến để cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không Quốc tế Vinh là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do nhà nước đầu tư, quản lý...