Mở rộng đối tượng khách
Việt Nam triển khai thí điểm đón khách quốc tế từ cuối tháng 11/2021. Sau khoảng 1 tháng triển khai, Bộ VHTTDL vừa có báo cáo sơ kết chương trình này. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tính đến ngày 6/12 là 1.179 khách, trong đó Phú Quốc (Kiên Giang) 204 khách, Quảng Nam 159 khách, Khánh Hòa 816 khách. Cả năm 2021, dự kiến cả nước đón được 14.500 khách (mới tính Phú Quốc, Khánh Hòa, chưa có Quảng Nam). Riêng Đà Nẵng và Quảng Ninh dự kiến đón khách từ tháng 1/2022.
Bộ VHTTDL đánh giá, việc đón khách du lịch quốc tế đảm bảo tuân thủ thông điệp 5K và các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ, được khách quốc tế phản ứng rất tích cực.
Tuy nhiên, qua giai đoạn thí điểm đầu tiên, Bộ VHTTDL cũng chỉ ra một số hạn chế. Cụ thể, Bộ VHTTDL cho rằng, thủ tục nhập cảnh còn gây khó khăn với khách quốc tế vì theo quy định, các doanh nghiệp (DN) đón khách phải gửi văn bản đề nghị xét duyệt nhân sự nước ngoài nhập cảnh đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh để được xem xét. Việc này gây khó trong việc thu hút khách quốc tế từ các thị trường trọng điểm vốn đã được miễn visa, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga. Khách sẽ ngần ngại khi lựa chọn điểm đến.
Việt Nam cũng giới hạn việc đón khách quốc tế qua các chuyến bay charter, chưa mở rộng sang khách đi đường biển, đường bộ. Trong khi đó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển rất có tiềm năng, hiện có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ tái khôi phục hoạt động này. Đặc biệt, các hãng tàu quốc tế đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án khai thác khách trong kỳ nghỉ đông 2021.
Về đối tượng khách, cần thống nhất cho phép người Việt Nam ở nước ngoài tham gia, trong trường hợp khách đảm bảo các điều kiện. Theo Bộ VHTTDL, đây là nhóm đối tượng khách du lịch đang có nhu cầu lớn về Việt Nam trong dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán. Việc thống nhất về đối tượng khách sẽ tạo điều kiện hỗ trợ các hãng hàng không, DN du lịch triển khai thực hiện đón khách theo quy định.
Về phạm vi đón khách, trong giai đoạn 2 của lộ trình thí điểm sẽ bổ sung thêm một số địa phương. Hiện tỉnh Bình Định và TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL xin phép đón khách quốc tế.
Cụ thể, TP Hồ Chí Minh đề xuất đón khách từ 12/2021 và mở rộng phạm vi đón khách quốc tế trong năm 2022; không yêu cầu cách ly sau khi nhập cảnh. Bình Định muốn đón khách quốc tế trong giai đoạn 2 (1/2022) đến bán đảo Phương Mai, xã đảo Nhơn Châu thuộc TP Quy Nhơn, thị trấn Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát và trung tâm thành phố theo hình thức city tour.
Do đó, để có thể khôi phục lại hoạt động du lịch outbound, cần nhanh chóng đàm phán để các nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Có lộ trình khôi phục đi du lịch nước ngoài
Để đẩy mạnh hoạt động thu hút khách quốc tế, Bộ VHTTDL kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận khôi phục lại chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với một số thị trường như trước. Đồng thời, triển khai sớm giai đoạn 2 chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ 15/12/2021.
Đối với đối tượng khách, cho phép người Việt Nam học tập, sinh sống ở nước ngoài có hộ chiếu Việt Nam, người Việt Nam có thẻ xanh Mỹ, thẻ thường trú tại một số quốc gia tham gia chương trình; Đồng ý đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ; Cho phép khai thác khách du lịch outbound đối với các thị trường đón khách Việt Nam; Bổ sung thêm các địa phương tham gia đón khách du trong giai đoạn 2 gồm Bình Định, TP Hồ Chí Minh.
Bộ Ngoại giao trao đổi với các quốc gia, vùng lãnh thổ để đẩy nhanh việc công nhận lẫn nhau về “hộ chiếu vaccine"; Bộ Y tế cho phép khách du lịch được sử dụng các dịch vụ tại địa phương sau khi đi tour trọn gói 3 ngày và test PCR âm tính vào ngày thứ 3 của chương trình tour.
Căn cứ tình hình thực tế các quốc gia trên thế giới với tỷ lệ tiêm phủ vaccine, số lượng nhiễm bệnh... nới lỏng tối đa quy định về cách ly đối với hành khách nhập cảnh.
Về việc mở lại hoạt động tổ chức cho khách du lịch Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound), Bộ VHTTDL nhận xét, người Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccinen muốn đi du lịch nước ngoài gặp khó khăn do chỉ một số nước chấp nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam; một số khác yêu cầu Giấy chứng nhận này phải được hợp pháp hóa bởi cơ quan lãnh sự mới cho phép sử dụng ở nước sở tại.
Trong khi đó, mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam không theo mẫu chuẩn của Giấy chứng nhận tiêm chủng do Bộ Y tế ban hành, một số mẫu chỉ có tiếng Việt. Chưa kể, có quốc gia chỉ chấp nhận một số loại vắc xin, thay vì tất cả các loại Việt Nam đang sử dụng.
Bộ VHTTDL cũng vừa có công văn phát động chương trình du lịch nội địa an toàn, linh hoạt. Mục đích của chương trình là phục hồi hoạt động du lịch theo lộ trình từ thị trường nội tỉnh, nội vùng đến nội địa, đồng thời giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, trải nghiệm du lịch đa dạng, hấp dẫn, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn.
Theo yêu cầu của Bộ VHTTDL, các sở quản lý du lịch phải tham mưu lãnh đạo địa phương công bố mở cửa du lịch, đón và phục vụ khách du lịch theo từng cấp độ dịch tại địa bàn gắn với các biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh tương ứng.