Đề xuất chiến lược phòng dịch theo điểm và bình ổn giá xét nghiệm COVID-19

Mới đây, 14 hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới, cùng với đó, bình ổn giá kit xét nghiệm COVID-19 để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Kiểm soát giá kit xét nghiệm

Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, hiện chi phí xét nghiệm COVID-19 cho người lao động là một trong những gánh nặng lớn của doanh nghiệp.  

Ông Lê Xuân Tân, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gỗ Hạnh Phúc ở Đồng Nai cho biết, chỉ chưa đầy 2 tháng, doanh nghiệp đã có 1.600 lần test cho 300 công nhân. Các hình thức xét nghiệm được doanh nghiệp này sử dụng gồm: PCR mẫu đơn 750.000 đồng một lần test một người; PCR gộp 5 (5 người lấy mẫu cho cho chung vào một lọ, nếu kết quả dương tính thì tách từng người ra xét nghiệm lại) giá 300.000 đồng một người và test nhanh là 280.000 đồng một người. Với cường độ xét nghiệm như vậy, doanh nghiệp này phải bỏ chi phí hàng tỷ đồng.

Tương tự, theo ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc May Bắc Giang, các công nhân trước khi vào làm đều phải được test chậm 2 lần bằng PCR. Với những công nhân sinh sống trong vùng dịch, vùng bị cách ly xã hội không thể đến nhà máy, công ty vẫn trả lương và duy trì các chi phí cố định khác. Điều này khiến các chi phí của doanh nghiệp tăng cao.

Chia sẻ từ đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, một doanh nghiệp dệt may lớn với quy mô 5.000 lao động sẽ phải đóng chi phí bảo hiểm vẫn phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng/tháng; chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỷ đồng/tháng, cùng nhiều chi phí khác. Tương tự với doanh nghiệp da giày, một doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động sẽ mất khoảng 1 triệu USD cho các chi phí chống dịch, bao gồm chi phí test COVID-19 lên đến hàng tỷ đồng/tháng. Đây là một khoản tiền lớn với doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chồng chất do dịch COVID-19 gây ra.

Theo văn bản kiến nghị từ 14 hiệp hội, họ đề nghị Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh, kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được nhà nước trợ giá. Các đề xuất này, theo các hiệp hội, là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kéo giảm giá xét nghiệm, hạ chi phí cho dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, cộng đồng các doanh nghiệp này mong được khấu trừ chi phí xét nghiệm và phòng chống dịch vào chi phí doanh nghiệp hoặc kinh phí công đoàn, phí bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế chi trả các chi phí cho các cá nhân đóng bảo hiểm, còn với những người chưa đóng, sẽ do ngân sách chi trả; các bệnh viện, tổ chức y tế tư nhân được phép thu phí xét nghiệm và điều trị.

Chống dịch theo điểm

Theo kiến nghị của 14 hiệp hội, Thủ tướng ban hành Chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới thay thế các Chỉ thị số 15, 16 do dịch bệnh đã chuyển sang giai đoạn mới, mục tiêu “Zero COVID-19” đã chuyển sang “sống chung với COVID-19.

Đồng thời trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức sản xuất cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức/doanh nghiệp; không đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của một dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, ngành y tế có thể hỗ trợ xây dựng các trạm y tế lưu động và cố định tại các khu công nghiệp; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp xây dựng tổ y tế lưu động phản ứng nhanh để phòng chống dịch cho người lao động và gia đình tại doanh nghiệp; tăng cường trang bị thiết bị và năng lực cho các cán bộ y tế cơ sở.

“Về việc này, Bộ Y tế có thể hướng dẫn rõ ràng cho doanh nghiệp trên toàn quốc về quy định test COVID-19 trong nhà máy, doanh nghiệp như: tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test. Ngoài ra khi có F0, doanh nghiệp phải khoanh vùng, thực hiện phương án cách ly, điều trị, khôi phục sản xuất trong ngày, đồng thời thông báo với địa phương, ngành y tế”, bà Phan Thị Thanh Xuân nói.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Đồng Tiến cũng cho rằng, cần có giải pháp cho phép người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ, khu dân cư, nhưng không nhiễm bệnh được quay trở lại làm việc; đặc biệt là không áp dụng phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà nên thực hiện quản lý, phòng dịch theo điểm – những nơi nào có người nhiễm thì phong tỏa nơi đó; còn khu vực vùng xanh thì nên gỡ bỏ, giúp người lao động trở lại nhà máy, sản xuất trở lại.

Ngoài những kiến nghị về phòng chống dịch, xét nghiệm, 14 hiệp hội ngành hàng cũng đã nêu những kiến nghị liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, bảo hiểm xã hội…

Đức Dũng (TTXVN)
Hiến kế phòng, chống dịch theo Điểm để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn
Hiến kế phòng, chống dịch theo Điểm để phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, 14 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam vừa đồng ký tên trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam đề xuất chiến lược “Phòng chống dịch theo Điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN