Cụ thể, khoản 4, Thông tư 12/2017/TT-BGTVT hiện quy định: Sát hạch lý thuyết đối với hạng A1 ở các đô thị từ loại 2 trở lên thực hiện trên máy vi tính; các địa bàn khác thực hiện trắc nghiệm trên giấy hoặc trên máy vi tính; phòng sát hạch lý thuyết có camera giám sát quá trình sát hạch.
Sát hạch thực hành lái xe trong hình đối với các hạng A1, A2 ở các đô thị từ loại 3 trở lên phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động; các địa bàn khác có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên dưới 100 km phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động từ ngày 1/7/2018.
Đối với nội dung sát hạch lý thuyết, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng việc sử dụng thiết bị công nghệ thông tin hiện nay đã trở lên phổ biến. Nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, khách quan trong việc tổ chức sát hạch lý thuyết, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất bãi bỏ hình thức sát hạch trắc nghiệm trên giấy.
Về với nội dung thực hành, Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh là việc kiểm tra kỹ năng điều khiển phương tiện, có tác động trực tiếp đến an toàn giao thông đường bộ. Vì vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất quy định lộ trình để các địa bàn khác có khoảng cách đến trung tâm đô thị từ loại 3 trở lên trên 100 km phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động từ ngày 1/7/2024.
Liên quan đến thời gian đào tạo lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, tại dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017/BGTVT, Cục đã có đề xuất giảm thời gian đào tạo lái xe.
Tại quy định hiện hành yêu cầu học viên phải học lý thuyết với thời gian từ 44 - 168 giờ, học thực hành từ 50 - 752 giờ, tùy vào từng hạng bằng lái xe ô tô. Đặc biệt, suốt thời gian học lý thuyết, học viên phải trải qua các môn học như pháp luật giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường, đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông, kỹ thuật lái xe, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông…
Với quy định trên, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng phần học lý thuyết có những nội dung trùng lặp, không phù hợp. Chẳng hạn, môn cấu tạo và sửa chữa, trong thời đại hiện nay, các hoạt động dịch vụ ngày càng chuyên môn hóa cao, mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.
Đối với hình thức bắt buộc học viên học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… Cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và người học. Trong khi đó, số giờ học thực hành hiện nay gấp đôi so với quy định số giờ học thực hành lái xe của Bộ Quốc phòng, khác xa so với quy định về đào tạo lái xe tại các nước phát triển cũng như các nước trong khu vực.
Để hoạt động đào tạo lái xe tại Việt Nam phù hợp với việc chuyển đổi số và tạo thuận lợi cho học viên, tại khoản 20 Điều 5, dự thảo sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, quy định thời gian đào tạo đối với các khóa học tối đa 3 tháng.
Đồng thời, dự thảo cũng không quy định số học viên trên 1 xe tập lái, giao quyền chủ động cho cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo cho từng khóa, đáp ứng khối lượng chương trình đào tạo cho 1 học viên như sau: Hạng B1 số tự động là 192 giờ (giảm 12 giờ học lý thuyết); hạng B1 là 212 giờ (giảm 8 giờ học lý thuyết); hạng B2 là 226 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết); hạng C là 236 giờ (giảm 26 giờ học lý thuyết)…
Đặc biệt, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất, đối với thực hành lái xe trên đường cần đảm bảo 100% số km và tối thiểu 50% thời gian (quy định hiện nay bắt buộc chạy 810 km đường trường trong vòng 40 giờ)…