Đây là chủ đề được các chuyên gia giao thông đô thị của Việt Nam và Nhật Bản thảo luận tại Hội thảo quốc tế về Chiến lược và giải pháp quy hoạch giao thông đô thị bền vững, diễn ra tại Hà Nội, ngày 26/7.
Các tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích về: Quy hoạch giao thông đô thị bền vững ở Việt Nam đến năm 2030, các giải pháp công nghệ thông tin cho giao thông; giao thông trong xã hội thông minh lấy con người làm trung tâm; ứng dụng hệ thống tích hợp tín hiệu đường sắt, hệ thống kiểm soát tín hiệu giao thông tiên tiến; cơ sở dữ liệu giảm ùn tắc giao thông…
Theo Tiến sỹ Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT): Quỹ đất giao thông tại các đô thị của Việt Nam hiện quá thấp chỉ từ 7-9%, trong khi bình quân ở các nước khoảng 16-26% diện tích đất xây dựng đô thị. Do vậy, tại nước ta khi phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ nhanh, đã dẫn tới tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường… gia tăng.
Tại hội thảo, kinh nghiệm quản lý giao thông đô thị của Nhật Bản do các chuyên gia Nhật Bản trình bày, đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà quản lý của Việt Nam. Điển hình là việc ứng dụng công nghệ cảm biến số nhằm tiết kiệm chi phí, năng lượng và thời gian cho người tham gia giao thông hiện nay, phù hợp với bối cảnh đô thị của Việt Nam. Khi có tình trạng tắc nghẽn, các thiết bị cảm biến sẽ tự động gửi thông tin về trung tâm điều hành tình trạng giao thông, đồng thời hướng dẫn người dân lưu thông chuyển hướng kịp thời, tránh di chuyển vào các điểm đang ùn tắc.
Nhiều chuyên gia đưa ra những khuyến nghị trong phát triển giao thông đô thị Việt Nam thời gian tới như: Cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, tuyến xe buýt nhanh kết hợp với phát triển đô thị; phát triển các đầu mối giao thông trung chuyển liên kết các phương thức vận tải; hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân, khuyến khích sử dụng loại phương tiện không dùng năng lượng hóa thạch…
Tiến Hiếu