Đây là dịp để các doanh nghiệp nhôm Việt Nam gặp gỡ, đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những thách thức mà ngành nhôm đang gặp phải và cũng là cơ hội để cùng trao đổi về những lợi thế khi áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất, đón đầu cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Đến dự có đại diện Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNIDO), nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cùng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhôm thanh định hình.
Tại Lễ ra mắt, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hội các nhà sản xuất nhôm thanh định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp Việt Nam cho biết, Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc ra đời củng cố thêm niềm tin của các nhà sản xuất đối với chính sách của Đảng, Nhà nước, có điểm tựa về mặt pháp lý để chống lại cuộc cạnh tranh không lành mạnh của nhôm thanh định hình Trung Quốc vào Việt Nam. Trước mắt, Hội sẽ xây dựng lại hệ thống nhôm thanh định hình Việt Nam để xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, rành mạch.
Thông tin từ phía ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam khu vực phía Bắc cho thấy, tổng lượng nhôm xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu chỉ chiếm 5%. Để vào được thị trường EU, trước tiên doanh nghiệp phải có các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường đó.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kim Thùy, hiện Việt Nam đã có 13 hiệp định thương mại được ký kết trong đó có 11 hiệp định đang thực hiện, 2 hiệp định (trong đó có EVFTA) đang chờ các văn bản hướng dẫn và một số hiệp định thương mại khác đang được Việt Nam đàm phán… Trong EVFTA có các nội dung như mua sắm Chính phủ, rào cản thương mại, thuế, thương mại hàng hóa… Trong đó, quy tắc xuất xứ và cắt giảm thuế quan được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
“Đôi khi, chúng ta thường quan tâm khi Hiệp định có hiệu lực thì những dòng thuế nào sẽ về 0% ngay, nhưng không có gì là cho không biếu không. Hàng hóa của Việt Nam bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ muốn vào các thị trường. Quy tắc xuất xứ là thiết kế riêng cho từng mã hàng khác nhau, và thiết kế quy tắc xuất xứ là một trong những mục khó nhất, phức tạp nhất của bất kể hiệp định thương mại tự do nào”, bà Bùi Kim Thùy nói.
Theo bà Thùy, hàng hóa được thiết kế riêng cho từng mã hàng (mã HS) và đáp ứng quy tắc xuất xứ mới được ưu đãi thuế quan đặc biệt từ FTA. Khi không đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì áp dụng mức thuế thường, cao hơn rất nhiều với thuế của hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể, thời điểm cụ thể, có thể có các thị trường sẽ áp dụng thuế chống lẩn tránh.
Thuế này ngày càng phổ biến, không loại trừ ngành nhôm và nhiều ngành khác từ các quốc gia như Việt Nam cũng sẽ chịu chung thuế này khi xuất khẩu tới các quốc gia như Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand... Nếu doanh nghiệp Việt Nam nắm vững quy tắc xuất xứ, làm chủ công nghệ, chuỗi sản xuất, sẽ thuận lợi khi xuất khẩu vào EU và ngược lại.
Trong khuôn khổ Lễ ra mắt, Hội thảo Hiệp định thương mại EVFTA đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Các ý kiến đã cùng trao đổi về các chính sách tối ưu cho hàng Việt Nam khi tham gia thị trường EU trên nền tảng Hiệp định EVFTA, quy tắc xuất xứ hàng hóa, cách thức tối ưu hóa EVFTA cho doanh nghiệp ngành nhôm Việt Nam.
Phó Chủ tịch Eurocham Nguyễn Hải Minh cho biết, thuế suất của mặt hàng nhôm Việt Nam xuất sang châu Âu khi EVFTA có hiệu lực sẽ giảm bằng 0% trong vòng 8 năm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất trong việc bãi bỏ thuế suất là có đạt được điều kiện để hưởng ưu đãi này không. Ngoài liên quan đến miễn giảm thuế, còn có nhiều vấn đề liên quan mà Việt Nam có thể hưởng lợi từ EVFTA. Đây là Hiệp định mẫu của Liên minh châu Âu đối với các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Dự định của Liên minh châu Âu là khi EVFTA đi vào hiệu lực, ngoài thương mại 2 chiều tăng lên, thuế suất giảm đi, sẽ định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp châu Âu nói chung và đặc biệt là tiến vào thị trường châu Á nói riêng. Khi có hiệp định này, xu hướng mới là các doanh nghiệp châu Âu sẽ chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, từ đó xuất khẩu trong khu vực ASEAN và tiến tới khu vực châu Á.
Đồng thời, tận dụng Hiệp định để lập các cơ sở nhằm chuyển dịch các mô hình sản xuất của mình từ châu Âu hay nước khác sang Việt Nam, tận dụng quy tắc xuất xứ, tận dụng hàng hóa làm ra ở đây rồi xuất khẩu sang EU. Như vậy, đối với Việt Nam, sự chuyển dịch đó sẽ làm tăng đầu tư nước ngoài, đây là xu hướng có thể dự đoán được, nhưng sâu xa hơn là lúc đó sẽ có nhiều công ty không chỉ của Việt Nam mà cả công ty có vốn đầu tư nước ngoài của nước thứ 3 tìm đến để tận dụng lợi thế này. Mô hình Liên minh châu Âu hiện đang hướng đến là các doanh nghiệp lớn của châu Âu sau khi tạo ra các hoạt động ở mức độ đơn giản như lắp ráp, gia công, sẽ gắn kết những hoạt động này vào chuỗi cung ứng của họ trên toàn cầu.
Ngoài kỳ vọng doanh nghiệp châu Âu mang đến các công nghệ tiên tiến hơn, theo ông Nguyễn Hải Minh, lợi ích lớn hơn mà Việt Nam cần đạt được là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp này.
“Năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế, làm thế nào gắn kết được với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam để tạo ra chuỗi cung ứng, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là khâu chính sách từ phía Chính phủ. Bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, cách làm việc của mình. Lợi ích của EVFTA là dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không phải những doanh nghiệp lớn. Nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ không tận dụng được ưu thế, lợi ích của Hiệp định thì đây là một sự thất bại, hiệp định sẽ chỉ nằm trên giấy”, ông Nguyễn Hải Minh nói và bày tỏ hy vọng trong tương lai có sự đột phá trong khâu làm chính sách, cũng như đổi mới về công nghệ, tư duy, quản trị của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông, với Liên minh châu Âu, bài toán kinh tế là một phần, bên cạnh đó còn yếu tố phi kinh tế khác là quyền lợi của người lao động, phát triển bền vững, đây là những vấn đề đang đặt ra với Việt Nam, cần cải thiện hoặc cam kết lộ trình cải thiện mới được xem xét phê chuẩn. EU đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam khi phê chuẩn Công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) về thương lượng tập thể của người lao động, tuy nhiên vẫn còn một số nội dung Việt Nam cần tiếp tục thực hiện, trong đó có việc sửa đổi Bộ luật Lao động.
Ông Florian Beranek, chuyên gia cấp cao về Trách nhiệm xã hội - Văn phòng quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Trung và Đông Âu tại Việt Nam cho biết, các hiệp định thương mại tự do không phải là các chương trình mang tính chất từ thiện của các nước phát triển cho các nước đang phát triển, mà ở đây thuần túy là làm ăn kinh doanh với nhau, nên các doanh nghiệp Việt Nam phải sẵn sàng cạnh tranh.
“Với ngành nhôm, lộ trình giảm thiểu thuế quan sẽ giảm xuống mức còn 0% là tương đối may mắn. Tuy nhiên, chúng ta nên lưu ý là chưa có khâu phê duyệt cuối cùng và cũng còn nhiều rào cản khác, nhiều việc phải thực hiện. Cần cân nhắc các lộ trình và chắc chắn rằng tất cả mọi người đều sẵn sàng thương thảo và chấp nhận”, ông nói.
Các ý kiến cho rằng, muốn “chơi” với thế giới dài hạn thì doanh nghiệp phải làm ăn nghiêm túc, bài bản, kỷ luật. Việc hậu kiểm hàng hóa vào EU rất chặt, nếu phát hiện sai sót, gian lận, sự trừng phạt là rất lớn, không chỉ đối với một cá nhân, một công ty, mà có thể với toàn bộ một mã, ngành hàng. Dẫn câu nói, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng, “muốn vừa đi nhanh, vừa đi xa phải đi thành một khối”, để nhấn mạnh các doanh nghiệp phải hợp tác, hỗ trợ nhau đi chung trên một con đường.