Đồng thời, chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm để khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội. Phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm rõ vấn đề này.
Hiện một số tài nguyên khoáng sản như đất san lấp, cát xây dựng, đất sét làm gạch, đá vật liệu xây dựng đang trong tình trạng khan hiếm dẫn đến nhiều hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật về hoạt động trong khai thác khoáng sản. Luật Địa chất và Khoáng sản đã có quy định cụ thể nào nhằm siết chặt hơn nữa công tác quản lý, hạn chế thấp nhất việc xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, thưa ông?
Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép xảy ra tại các địa phương, Luật Địa chất và Khoáng sản đã bổ sung các quy định nhằm kiểm soát chặt chẽ về hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và khu vực biển phải tuân thủ quy định đối với khoáng sản nhóm II (các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, vật liệu chịu lửa) hoặc nhóm III (các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn).
Theo đó, tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi được kiểm soát và giám sát bằng các phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại để bảo đảm kiểm soát được sự biến động trữ lượng khoáng sản; ngăn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguy cơ sạt lở, mất ổn định lòng sông, bờ sông, bãi sông, bờ biển…
Đối với hoạt động nạo vét, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa, đường hàng hải, cảng sông, cảng biển; nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện có kết hợp thu hồi cát, sỏi, ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này còn phải thực hiện các yêu cầu: Không lợi dụng hoạt động nạo vét, cải tạo các tuyến đường thủy nội địa, đường hàng hải, cảng sông, cảng biển; nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện để khai thác cát, sỏi trái phép; phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Bên cạnh đó, Luật Địa chất và Khoáng sản cũng đã tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương trong việc chủ động thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản, cấp phép hoạt động khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản và việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh để góp phần nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới.
Trường hợp khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, ở khu vực biển giáp ranh từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, trước khi cấp giấy phép, UBND cấp tỉnh nơi có tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải lấy ý kiến bằng văn bản của ủy ban nhân dân cấp tỉnh giáp ranh.
Các quy định trong luật cũng đã nêu bật lên nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong công tác điều tra cơ bản địa chất; điều tra địa chất về khoáng sản; điều tra, khoanh định, lập bản đồ các khu vực di chỉ địa chất, di sản địa chất, tài nguyên vị thế; điều tra địa chất môi trường, tai biến địa chất; điều tra địa chất công trình...
Một điểm mới của Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 so với Luật Khoáng sản 2010 là đã cho phép UBND cấp tỉnh được quyền thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất, đánh giá tiềm năng khoáng sản để làm căn cứ xác định quy mô tiềm năng tài nguyên khoáng sản có trong khu vực phục vụ công tác lập quy hoạch, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Phân cấp mạnh cho địa phương cấp tỉnh trên cơ sở quy định rõ trách nhiệm gắn với thẩm quyền của từng chủ thể quản lý là một trong những điểm nổi bật của Luật Địa chất và Khoáng sản. Điều này giúp địa phương phát huy nguồn lực tài nguyên khoáng sản như thế nào, thưa ông?
Luật đã bổ sung một số quy định nhằm tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao nǎng lực thực thi của cơ quan cấp dưới kèm theo việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, nhất là ở cấp trực tiếp thực hiện.
Luật đã bổ sung việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh đối với: Phê duyệt đề án, báo cáo kết quả điều tra cơ bản địa chất theo quy hoạch; điều tra địa chất về khoáng sản đối với khoáng sản nhóm III, nhóm IV và được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách của địa phương.
Luật cũng bổ sung Quyết định việc cho phép thu hồi khoáng sản nhóm I, II khi thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; cấp Giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên.
Khoáng sản là tài sản công. Việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Có nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?
Việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác. Quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
Điểm a khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư. Trên thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án. Ngoài ra, dự thảo Luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng.
Địa chất, khoáng sản là những vấn đề thiết yếu trong cuộc sống. Chúng ta cần làm gì để nhanh chóng đưa nội dung Luật Địa chất và Khoáng sản vào cuộc sống, thưa ông?
Để đưa Luật Địa chất và Khoáng sản đi vào cuộc sống, trước hết Bộ cần kịp thời xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật để tổ chức thực hiện đồng thời khi luật có hiệu lực.
Đồng thời, Bộ cần phổ biển pháp luật đến cán bộ, công chức thuộc hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường các cấp thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thi hành Luật nhất là các nội dung mới, quan trọng đã được tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị tốt nguồn lực về con người và hạ tầng kỹ thuật để xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như thực thi kiểm tra, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm. Trong đó, cần ưu tiên thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu số, trang thiết bị, công nghệ phục công tác kiểm soát hoạt động khoáng sản (công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái UAV....).
Hơn nữa, các bộ ngành, địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước từ khâu lập quy hoạch đến cấp phép, đóng cửa mỏ, bảo đảm giảm thiểu tất cả các tác động tiêu cực, rủi ro, sự cố về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong suốt vòng đời của dự án khai thác mỏ và sau khi đóng cửa mỏ. Đặc biệt, cần có chế độ khuyến khích các phương án hoạt động khai thác bền vững khoáng sản nhằm hài hòa lợi ích khai thác khoáng sản và bảo vệ tốt môi trường, lợi ích của thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau, lợi ích của các bên liên quan.
Trân trọng cảm ơn ông!