Cần lấy DN nội làm trọng tâm
Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, AEC sẽ mở rộng thị trường cho một số ngành có khả năng cạnh tranh như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, giày dép, dệt may, nông thủy sản, đồ gỗ… Không chỉ thế, người tiêu dùng Việt Nam còn được mua các hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng với giá tốt hơn. Thực tế đầu năm 2016, đã có rất nhiều DN Hàn Quốc và Nhật Bản nộp giấy phép xin đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, việc hội nhập mới chỉ mang lại cơ hội cho DN nước ngoài là chủ yếu. |
Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội, khi hội nhập, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động nhiều từ nền kinh tế thế giới. Trong khi đó, hiện nay chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản có tác động đến thị trường thế giới khá phức tạp. Có thể FED phải thay đổi quan điểm và trở lại chính sách nới lỏng định lượng. Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ khi cùng lúc giải quyết hai mục tiêu mâu thuẫn nhau, đó là phải nới lỏng nguồn cung tiền để tăng thanh khoản nhằm hỗ trợ tăng trưởng đang gặp khó khăn, nhưng lại không để đồng NDT bị suy yếu quá mức. Mới đây, ngày 27/1/2016, Trung Quốc đã phải bơm một lượng tiền lớn tính theo USD lên tới 67 tỷ đồng. Mặt khác, giá dầu tụt dốc do cung vượt xa cầu và giá các hàng hóa cơ bản giảm thấp đã làm cho thị trường tiền tệ và các kênh đầu tư biến động lớn trong năm 2016.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam lo ngại, hiện kinh tế Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Trung Quốc. Vì thế, dù kinh tế Việt Nam đi qua năm 2015 với tinh thần lạc quan là nền kinh tế phục hồi và lạm phát thấp, nhưng vẫn cần phải lưu ý 2 điểm: Ai làm nền kinh tế phục hồi và ai hưởng được từ nền kinh tế phục hồi? “Nhìn lại thì rõ ràng, nền kinh tế phục hồi có sự đóng góp rất lớn từ khu vực đầu tư nước ngoài, trong khi đó vùng nội địa vẫn còn nhiều khó khăn dù đây là động lực để nền kinh tế tăng trưởng phát triển… Theo đó, khi kinh tế phục hồi thì khu vực nước ngoài được hưởng là chính, như vậy sẽ ít ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam. Vì thế, cần xác định rõ phải lấy DN nội làm trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế”, PGS.TS Trần Đình Thiên bày tỏ.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết, hiện DN trong nước và xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, nhập siêu tăng trở lại, giải quyết việc làm khó khăn, ứng dụng công nghệ thấp, sự chuẩn bị để có thể hội nhập sau khi kí kết các hiệp định vẫn còn nhiều bất cập... Vì thế, bên cạnh những triển vọng thì vẫn có nhiều thách thức lớn cần phải vượt qua.
Cơ chế chính sách nên rõ ràng hơn
“Có một thực trạng cần nhìn lại là tư duy chính sách vĩ mô của nước ta để tác động đến cơ cấu kinh tế chưa thuận lợi cho DN trong nước. Nguyên nhân, độ mở thị trường cao nhưng lại mang thuận lợi cho DN nước ngoài. Do đó, nếu chính sách kinh tế không tác động đến DN thì cần xem lại”, PGS.TS Trần Đình Thiên khuyến nghị. Thực tế cho thấy, số lượng DN ngừng hoạt động trong năm 2015 vẫn tăng hơn 22% so với năm 2014, tương đương khoảng 71.400 DN. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, con số DN nội ngừng hoạt động cũng tăng hơn 13,5% so với cùng kỳ.
Với mục tiêu năm 2016 là GDP cả nước sẽ tăng 6,7%, CPI dưới 5%, xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu giảm dưới 5%; trong đó, giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan và tăng xuất khẩu sang TPP; PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng mục tiêu chưa đủ linh hoạt để ứng biến với hoàn cảnh khi hội nhập. Chính phủ nên đặt trọng tâm cho công tác điều hành chính sách là gỡ nút thắt nợ xấu - lạm phát - lãi suất theo hướng hỗ trợ DN; đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước thực chất; tăng cường sự hiểu biết hội nhập cụ thể cho DN; thay đổi phương thức tổ chức kinh doanh nông nghiệp, lấy DN làm chủ lực…
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Chính phủ cần có một chính sách rõ ràng, minh bạch nhằm tạo một môi trường tốt cho DN Việt Nam để có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo, là động lực cho DN phát triển và tự tin hội nhập. Theo đó, các chính sách cần được xuất phát từ cộng đồng DN bởi họ mới chính là đội ngũ tiên phong. Phía cộng đồng DN cũng nên phản ánh nhanh những diễn biến trên thị trường để Chính phủ có thể chính sách kịp thời cho DN. Ngoài ra, trước cơ hội hay thách thức bản thân các DN cũng phải cải cách, đổi mới, đặc biệt là trong quản trị doanh nghiệp. Bởi DN dù đã có những cố gắng nhưng so với các DN nước ngoài thì độ chênh lệch vẫn rất lớn.