Quan tâm cải thiện mức sống
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam, tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của NLĐ năm 2015. Kết quả cho thấy, đến tháng 4/2015, sau khi triển khai thực hiện Nghị định 103 của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương tối thiểu (TLTT) vùng, có gần 90% số doanh nghiệp (DN) có tổ chức công đoàn đã tiến hành điều chỉnh. Tiền lương cơ bản tăng, mức đóng BHXH tăng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ). Mức lương tối thiểu hiện nay đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tối thiểu của NLĐ. Tuy nhiên, so sánh giữa thu nhập và chi tiêu, 19,9% số NLĐ cho biết thu nhập hiện tại không đủ sống; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Chỉ 8% có tích lũy.
Tại các KCN - KCX đời sống người lao động còn khó khăn. Để trang trải nhu cầu tối thiểu, người lao động (NLĐ) phải làm thêm giờ, tăng ca. Số tiền làm thêm chiếm một phần tư thu nhập hằng tháng của NLĐ. Theo thống kê, cả nước có gần 300 KCN - KCX với gần 2,1 triệu lao động đang làm việc. Luật Lao động quy định công nhân làm việc không quá 8 giờ/ngày, không quá 48 giờ/tuần, nhưng trên thực tế, thời gian làm việc của người công nhân vượt quy định nói trên. Các doanh nghiệp ngành dệt may có số lượng lao động làm việc vượt thời gian quy định bình quân mỗi người trên 200 giờ/năm. Công nhân ngành thủy sản và da giầy cũng có cường độ làm việc không kém, từ 8 - 12 giờ/ngày. Cường độ làm việc cao trong khi thu nhập chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu.
Mức lương tối thiểu hiện nay mới đáng ứng được khoảng 90% nhu cầu của người lao động. |
Trong hơn 2,1 triệu lao động làm việc tại các KCN - KCX thì có đến hơn 70% là lao động ngoại tỉnh đến từ các vùng nông thôn dẫn đến sức ép về nhà ở, quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN - KCX rất cao, gặp phải nhiều khó khăn. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai mới giải quyết được khoảng 10% số công nhân có nhu cầu về nhà ở. Một nghịch lý khác, giữa tăng trưởng kinh tế, lợi nhuận của các doanh nghiệp và đời sống văn hóa của người công nhân. Người lao động thường xuyên phải làm việc tăng ca nên không có thời gian để thư giãn, giải trí. Tại các KCN - KCX thiếu các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu văn hóa, thể thao.
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thực tế không DN nào trả lương bằng mức lương tối thiểu mà đều trả cao hơn ít nhất 15 đến 20%. Bên cạnh đó, các DN đang lợi dụng kẽ hở, xây dựng hai bảng lương. Một bảng lương dùng đóng BHXH, một bảng lương thực tế để báo cáo với cơ quan thuế. Do đó, trong năm tới, việc tăng lương tối thiểu vẫn phải theo lộ trình để đảm bảo đời sống người lao động. Việc nghiên cứu và đề xuất mức lương tối thiểu phải bổ sung thêm các căn cứ như: Chỉ số giá tiêu dùng, đời sống lao động, sự chênh lệch mức lương giữa khu vực phi chính thức và chính thức, lương giữa doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp quy mô nhỏ. Thành lập Hội đồng nghiên cứu năng suất lao động, nhằm đảm bảo đời sống lao động và đề xuất những giải pháp cạnh tranh của lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ phối hợp với các bộ ngành chức năng triển khai các chính sách về phát triển đời sống văn hóa cho công nhân lao động tại các KCN - KCX, trong đó cần đảm bảo huy động 3 nguồn lực: Sự đầu tư của chính quyền địa phương; sự đóng góp của các doanh nghiệp; nguồn xã hội hóa, tổ chức công đoàn và toàn xã hội. Trong các dự án quy hoạch tổng thể các KCN - KCX, phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí… Để làm được việc này, trung ương và địa phương cần dành nhiều kinh phí, quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao phục vụ cho công nhân sau những ngày làm việc căng thẳng. Công đoàn doanh nghiệp phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi có KCN - KCX chủ động đứng ra tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, từ đó, tạo ra không khí vui tươi, thân thiện giữa chính quyền, nhân dân địa phương với tổ chức doanh nghiệp và công nhân.
“Để có thể giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân trong các KCN - KCX thì cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương. Đó là khuyến khích xã hội hóa về nhà ở, đồng thời thực hiện chính sách tạo điều kiện, khắc phục tư tưởng thả nổi cho thị trường tự điều tiết; cần huy động sự tham gia của nhiều thành phần, sự nỗ lực của bản thân người lao động, trách nhiệm của người sử dụng lao động, sự tạo điều kiện của Nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội. Hiện ở các KCN - KCX phía Nam có các mô hình “nhà lưu trú”, “nhà ở xã hội” trả góp giá siêu rẻ cho công nhân rất hiệu quả. Mô hình này cần được nhân rộng và ứng dụng để phù hợp với từng địa phương”, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết.
Bảo vệ quyền lợi người lao động
Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, vấn đề bảo đảm quyền lợi của NLĐ ngày càng được coi trọng. NLĐ là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này. Với Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Mai Đức Chính cho rằng, hiệp định không đưa ra các tiêu chuẩn mới về lao động. Các tiêu chuẩn về lao động được đề cập trong Hiệp định TPP chính là các tiêu chuẩn lao động (LĐ) được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của ILO, bao gồm: Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của NLĐ và người sử dụng LĐ; xóa bỏ LĐ cưỡng bức và LĐ bắt buộc; cấm sử dụng LĐ trẻ em, xóa bỏ các hình thức LĐ trẻ em tồi tệ nhất; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ LĐ cưỡng bức, LĐ trẻ em và xóa bỏ phân biệt đối xử trong LĐ, về cơ bản hệ thống pháp luật của Việt Nam đã phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết của hiệp định. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Đối với cam kết về đảm bảo điều kiện LĐ liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn LĐ, hệ thống luật pháp của Việt Nam về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của NLĐ, theo hiệp định, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của NLĐ trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của NLĐ tại cơ sở. Tổ chức của NLĐ tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng LĐLĐ Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Sau một thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký hiệp định), các tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức của NLĐ ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.
Chính vì vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang xây dựng chương trình hành động với một số nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó, khâu then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ phải là những thủ lĩnh thực sự của phong trào công hiểu được nỗi khổ và thở được hơi thở của CN và do đó phải đổi mới công tác cán bộ đủ đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐ theo phương thức mới. Thứ hai, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi Điều lệ CĐ Việt Nam và tham gia sửa đổi pháp luật LĐ và CĐ theo hướng xác định lại và xác định rõ nội dung trọng tâm theo thứ tự ưu tiên của các cấp CĐ, trong đó cần tập trung thực hiện những nội dung liên quan đến chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và các vấn đề về quan hệ LĐ.
“Quan trọng nhất là phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người lao động”, ông Mai Đức Chính cho biết.