Để giúp công nhân an tâm, đảm bảo quyền lợi khi làm việc và sinh sống tại thành phố, TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình, chính sách có ý nghĩa. Trong đó, có không ít chương trình có sức loa tỏa lớn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần.
Dù mới xuất hiện tại thành phố được 6 năm nhưng chương trình “Tháng công nhân” do thành phố khởi xướng và triển khai đã có sức lan tỏa rất lớn không chỉ trong thành phố mà còn lan ra cả nước. Đặc biệt, chương trình này hàng năm đã giúp hàng trăm, hàng ngàn công nhân có hoàn cảnh khó khăn được ở trong những ngôi nhà mới khang trang hơn, có thêm cơ hội thoát khỏi các bệnh hiểm nghèo, có niềm tin hơn vào cuộc sống để làm việc có ích, cống hiến cho doanh nghiệp và xã hội.
“Từ năm 2009, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai tháng công nhân với mục đích vận động cộng đồng xã hội quan tâm đến đội ngũ công nhân, viên chức lao động. Đến năm 2011, Tổng Liên đoàn lao động nhân mô hình này ra toàn quốc. Càng ngày, tháng công nhân càng được coi là tháng cao điểm để toàn thành phố chung sức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức lao động”, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Theo ông Cường, tháng công nhân hàng năm được triển khai với 5 chương trình ý nghĩa như: Chương trình gặp gỡ đối thoại để cho người lao động nói lên những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng và hiến kế cho doanh nghiệp phát triển; chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp để các cấp công đoàn trao đổi, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp; chương trình giờ thứ 9 để tổ chức hoạt động vui chơi nâng cao đời sống vật chất, trang bị kiến thức pháp luật cho người lao động tự bảo vệ mình, đồng thời hạn chế xảy ra tranh chấp lao động.
Ngoài ra, còn có chương trình bàn tay vàng- thi nâng bậc thợ cho người lao động làm cơ sở để doanh nghiệp nâng lương cho người lao động và cuối cùng là chương trình cùng công nhân vượt khó nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim… cho công nhân và con em công nhân sản xuất trực tiếp. Trong đó, chương trình cùng công nhân vượt khó bằng việc hỗ trợ điều trị các bệnh hiểm nghèo cho công nhân hoặc con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn được xem là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và được cộng đồng xã hội hưởng ứng nhiệt tình nhất.
Chị Nguyễn Thị Gấm, công nhân Công ty Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) mới được hỗ trợ mổ tim, cho biết chị từ Nghệ An vào thành phố lập nghiệp hơn 10 năm nhưng do bệnh tim hành hạ nên “bữa làm, bữa nghỉ”. Chồng làm công việc phụ hồ nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. “Từ khi được hỗ trợ phẫu thuật tim miễn phí với số tiền hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, tôi đã có lại sức khỏe, đi làm bình thường để kiếm thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Tôi rất cảm ơn các cơ quan ban ngành của Thành phố, các nhà hảo tâm đã hỗ trợ giúp tôi vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, sống tốt hơn”.
Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên triển khai các chương trình ý nghĩa để người lao động yên tâm sinh sống, làm việc tại TP. (Ảnh chụp tại chương trình tặng quà, vé xe cho công nhân xa quê năm 2014.) |
Ngoài các chương trình chăm lo cho người lao động trong tháng công nhân, xuyên suốt cả năm, các cơ quan ban ngành thành phố còn triển khai thường xuyên các hoạt động chăm lo khác như: Hỗ trợ bình ổn giá nhà trọ và tiền điện, nước cho công nhân; đem hàng hóa chất lượng cao tới các phiên chợ cho công nhân; trao quà, học bổng toàn phần cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn đi học; khám bệnh miễn phí cho công nhân; xây dựng nhà trẻ an toàn cho con em, nhà lưu trú cho công nhân…
Theo thống kê của Liên đoàn lao động TP Hồ Chí Minh, trong tháng công nhân lần thứ 5 năm 2013, công đoàn Thành phố đã tổ chức gặp gỡ đối thoại với trên 215.000 công nhân, người lao động, tổ chức cho 86.000 người tham gia hoạt động giờ thứ 9, hỗ trợ trên 38.000 công nhân trong chương trình cùng công nhân vượt khó với kinh phí gần 14 tỷ đồng, chương trình Bàn tay vàng- tháng lao động giỏi đã giúp doanh nghiệp thành phố tiết kiệm hơn 23 tỷ đồng và làm lợi trên 137 tỷ đồng. |
Ông Trần Công Khanh, Chủ tịch công đoàn Ban quản lý các KCN- KCX TP Hồ Chí Minh, cho biết trong những năm qua, thành phố và các cấp ban ngành đã thường xuyên có nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân, điều này đã phần nào giúp nâng chất lượng cuộc sống của công nhân hơn. Chẳng hạn, để lo cho con em công nhân đi học trong các nhà trẻ an toàn, thành phố đã triển khai 20 dự án nhà trẻ mầm non tại các KCN-KCX. Bên cạnh đó, để lo cho công nhân có chỗ ở ổn định, yên tâm làm việc, thành phố đã triển khai xây dựng 12 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 2.336 phòng, đáp ứng khoảng 20.220 chỗ ở cho công nhân.
Bên cạnh đó, để lo về tinh thần, thành phố thường xuyên tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ phục vụ công nhân, đặc biệt trong các ngày lễ, Tết. Ngoài ra, công đoàn các cấp còn phối hợp với các bệnh viện để tư vấn, khám sức khỏe giúp phát hiện kịp thời bệnh nghề nghiệp cho công nhân. Song song đó, thành phố còn triển khai các hoạt động chăm lo khác như thăm hỏi, tặng quà, động viên những công nhân có hoàn cảnh khó khăn...