Vận chuyển sản phẩm bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Ninh Thuận. |
“TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các DN, là chiến trường của các doanh nhân. Sự thành bại của một nền kinh tế trong hội nhập được quyết định bởi sức mạnh của đội ngũ doanh nhân. Doanh nhân là người lính xung trận, Nhà nước là hậu phương vững chắc”, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu và đưa đất nước trở nên giàu là sứ mệnh của doanh nhân. Tuy nhiên, để hoàn thành sứ mệnh của mình, đội ngũ doanh nhân cần phải được xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu, để có thể cạnh tranh thắng lợi. Nhà nước phải đẩy mạnh cải cách thể chế để hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam cần một giai đoạn đột phá mới để bắt kịp với các nước trong khu vực ASEAN. Trong đó, về môi trường kinh doanh của ta đang từ nhóm cuối bảng phải vươn lên trở thành một trong bốn nước đứng đầu ASEAN.
Chủ động ứng phóTrên thực tế, cộng đồng DN ngày càng ý thức được rõ nét hơn về những cơ hội và thách thức của tiến trình hội nhập. Ông Nguyễn Hoàng, Tổng Giám đốc N&G Corp, Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) cho biết: “Thách thức rất lớn nhưng song hành với nó là cơ hội cho các DN Việt Nam. Nếu DN vươn lên được, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu thì nền kinh tế sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển, còn nếu chúng ta ngừng lại thì nguy cơ tụt hậu sẽ rất lớn”.
May áo sơ mi xuất khẩu sang Mỹ tại Công ty May Sài Đồng. |
Để chuẩn bị cho hội nhập, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và đại lý thuế (TAC), chuyên dịch vụ kế toán và đại lý thuế cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thông qua việc nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân viên của công ty, đào tạo tiếng Anh để nhân viên có thể giải quyết vấn đề cho không chỉ DN trong nước mà còn khách hàng nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) thì cho rằng, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, các DN của chúng ta phải có chiến lược bài bản hơn thì mới có thể tồn tại được và mở rộng ra thị trường thế giới.
“Thời gian để TPP được ký kết và có hiệu lực không còn nhiều nên VID Group đã có sự chuẩn bị của riêng mình. Trước cả TPP, chúng tôi nhận thấy trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam vẫn thuộc nhóm yếu hơn. Cũng như một con thuyền muốn vượt biển lớn phải đi từng chặng. Trước hết, chúng ta phải hội nhập trong khối ASEAN, có mục tiêu ngắn hạn và dài hạn”, bà Hường nói.
Bà Nguyễn Thúy Hồng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và đại lý thuế (TAC), cho biết, hiện nay có rất nhiều công ty nước ngoài đến và mở văn phòng kế toán tại Việt Nam. Đó là thách thức khiến các công ty trong nước phải nâng cao nội lực của mình để cạnh tranh.
Ông Vũ Tiến Lộc: “Cùng với quá trình hội nhập, DN phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh sòng phẳng với các đối tác hàng đầu trên thế giới nên hơn lúc nào hết, bản lĩnh của doanh nhân cần được củng cố, nỗ lực vượt bậc. Thách thức lớn nhất đối với hàng hóa Việt Nam hiện nay là làm sao vươn đến chuẩn quốc tế để xâm nhập vào các thị trường mới. Trước đây do các hàng rào thuế quan, sự ưu ái vẫn dành cho DN nội địa. Nay thuế quan giảm, khái niệm thị trường trong nước, thị trường quốc tế bị xóa mờ. Tất cả phải theo chuẩn quốc tế thì mới cạnh tranh được”. |
Qua kinh nghiệm cung cấp dịch vụ kế toán cho DN vừa và nhỏ, bà Hồng nhận thấy: DN vừa và nhỏ trong nước tổ chức bộ máy kế toán rất yếu kém, nhận thức về luật pháp còn hạn chế. Các công ty dịch vụ kế toán như TAC sẽ phải đến tư vấn toàn bộ từ đầu. Trong khi đó, các DN nước ngoài đã có tiêu chuẩn ISO nên khi làm nghiệp vụ thuế đơn giản hơn nhiều. Đây là điều các DN trong nước cần học hỏi các đối thủ ngoại.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng, DN cần lựa chọn lĩnh vực phù hợp với khả năng của mình để phát huy được thế mạnh. Còn Nhà nước cần rà soát toàn bộ thể chế, trên cơ sở đó có điều chỉnh kịp thời, đặc biệt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về đất đai, thuế, công nghệ để hỗ trợ kịp thời cho DN.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, vừa qua, Luật Đầu tư, Luật DN đã mở ra rất nhiều cơ hội cho các DN và doanh nhân, không hạn chế quyền kinh doanh của người dân, không tạo rào cản khi họ gia nhập thị trường. Tuy nhiên, bà Hường nhấn mạnh, DN và ngay cả bộ máy công quyền phải hiểu rất rõ về tinh thần đổi mới và cải cách của Chính phủ đối với DN. “Cán bộ công chức là những người tiếp xúc hằng ngày với người dân và DN, nếu không hiểu và thiếu cái tâm thì thời gian làm thủ tục của DN vẫn dài, hoặc thủ tục thành lập DN vẫn rắc rối... Như vậy, ngoài cải cách thể chế còn cần cải cách bộ máy nữa”, bà Hường nói.
Nhất trí với việc phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, khi việc cải cách thể chế được Nhà nước đẩy mạnh, DN sẽ có cơ hội tập trung vào chất lượng sản phẩm, tìm kiếm đối tác..., tạo cơ hội cho DN toàn tâm toàn ý giải quyết thách thức của thị trường thay vì giải quyết khó khăn của cơ chế.
Tuy nhiên, ông Lộc cũng đề nghị các DN phải tái cấu trúc mạnh mẽ, tập trung vào quản trị DN và văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. DN phải nắm bắt đầy đủ thông tin hội nhập. Trên cơ sở đó, phân tích các tác động đến DN của mình, ngành nghề kinh doanh của mình; xây dựng kế hoạch hoạt động theo chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Ngoài ra, để tận dụng cơ hội từ các FTA, các DN nên tái cấu trúc thị trường, tập trung vào các thị trường có ưu đãi thuế quan; chuẩn bị đối tác, bạn hàng tại các thị trường có ưu đãi thuế để thiết lập quan hệ kinh doanh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, quan tâm đến vấn đề xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm...