Đẩy tăng trưởng tín dụng từ nhiều phía

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2014 đạt 3,68%. Mức tăng này tuy đã khá hơn nhưng mới chỉ đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu từ 12- 14%. Các chuyên gia ngân hàng cho rằng: Trong quan hệ tín dụng phải đến từ cả hai phía cung - cầu. Rất khó đẩy vốn nếu người vay không có nhu cầu. Ngược lại, doanh nghiệp muốn vay vẫn phải đáp ứng đúng điều kiện của ngân hàng để phòng ngừa nợ xấu.


Phụ thuộc khả năng hấp thụ vốn


Trong bối cảnh nền kinh tế chưa hoàn toàn phục hồi, sức cầu còn yếu, “sức khỏe” của doanh nghiệp chưa được cải thiện thì lối ra cho tín dụng vẫn sẽ hẹp. Vì vậy, việc hạ lãi suất cho vay kết hợp với những ưu đãi khi sử dụng những dịch vụ khác vẫn đang được các ngân hàng thương mại (NHTM) lựa chọn.

 

Khách hàng giao dịch tại Maritme Bank Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chính sách (VERP) cho rằng, rất khó cho việc các ngân hàng tăng trưởng tín dụng dàn đều từ nay đến cuối năm. “Trước đây, mọi người cứ nghĩ không tăng tín dụng là do ngân hàng nhưng trong quan hệ tín dụng phải đến từ cả hai phía cung- cầu. Người vay khi cần tiền họ mới vay. Vì vậy, rất khó đẩy vốn nếu người vay không có nhu cầu”, ông Thành nói.


Liên quan tới vấn đề này, ông Ngô Văn Phăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm thủy sản xuất khẩu Cà Mau cho biết: Công ty đã có quan hệ tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ rất lâu và vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng này. Nhưng thời gian gần đây công ty không có nhu cầu vay nhiều vốn vì xuất khẩu tôm, cá đang gặp khó khăn, sản xuất cầm chừng.


Việc tăng trưởng tín dụng thấp phần lớn là do nhu cầu đầu ra yếu, doanh nghiệp không muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh chứ không phải là không tiếp cận được vốn.

Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội

Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ông Nghiêm Xuân Thành cho hay: Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay của Vietcombank là 17%. Để đạt được con số này thì những tháng cuối năm, Vietcombank tập trung tiếp cận và mở rộng các khách hàng mới là những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp kinh doanh tốt trên sàn chứng khoán.
Theo Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), hết 7 tháng, tổ chức tín dụng của VietinBank ở mức 3,8%.

 

Như vậy so với kế hoạch đặt ra của ngân hàng đến hết năm là 12- 13% thì chỉ tiêu tăng trưởng còn tương đối nhiều. “Với khoảng cách như vậy, chúng tôi đang rốt ráo chỉ đạo, yêu cầu các phòng giao dịch, chi nhánh tích cực triển khai các biện pháp mở rộng tín dụng hiệu quả, tìm kiếm và phục vụ kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu vốn cho khách hàng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tín dụng. Đặc biệt những khách hàng phát triển tốt, ngân hàng còn cung cấp các dịch vụ tổng thể cùng với lãi suất hợp lý để khuyến khích khách hàng mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức tiêu thụ bán hàng hiệu quả hơn”, lãnh đạo Vietinbank nói.


Đại diện VietinBank cho biết thêm: Đến thời điểm này, lãi suất cho vay không còn là vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Mà nguyên nhân sâu xa do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cầu tiêu dùng vẫn đang rất thấp. Để tạo sức cầu mạnh đối với tín dụng, cần sự phối hợp của nhiều chính sách khác nhau chứ một mình hệ thống ngân hàng không kham nổi. Ví dụ như: Tăng giải ngân đầu tư công, hay cắt bớt thủ tục, giảm giãn thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính đầu tư vào kinh doanh…


Với tình hình kinh tế hiện nay, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt mức 10%. Con số này phản ánh đúng thực tế của nền kinh tế và mức 12-14% mà NHNN đưa ra đầu năm chỉ là định hướng chứ không phải hệ thống ngân hàng phải tăng trưởng bằng mọi giá để đạt con số trên.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Để hấp thụ vốn của doanh nghiệp được tốt hơn, các chuyên gia kinh tế cho rằng: Lãi suất giảm là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Để vốn vay đến được doanh nghiệp, cần có sự nỗ lực của cả hai phía là ngân hàng và doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, đó là cải thiện thủ tục và quy trình cấp tín dụng, trong đó quan trọng là rút ngắn thời gian duyệt vay và minh bạch chính sách. Còn doanh nghiệp cũng phải có năng lực tài chính minh bạch và phương án sản xuất kinh doanh khả thi thì ngân hàng mới an tâm cho vay.


Để kích thích cho vay, VietinBank đang triển khai chương trình “Tiếp vốn nhanh- vay ưu đãi” kéo dài từ nay đến hết năm 2014 với mức lãi suất cho vay chỉ từ 7,99%/năm. Một số ngân hàng thương mại cũng đang đẩy mạnh các gói tín dụng ưu đãi như: Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) dành 1.000 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm đối với VND và 3,2%/năm đối với USD dành cho các doanh nghiệp phụ trợ đặc thù; Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) triển khai gói cho vay doanh nghiệp trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi VND chỉ 7%/năm…


Nới lỏng điều kiện vay nhưng vẫn thận trọng


Chia sẻ khó khăn về việc khó tiếp cận vốn ngân hàng, đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) (công ty luôn được xếp hạng chỉ số tín nhiệm cao) cho rằng: Một năm trở lại đây, doanh nghiệp đã gặp trở ngại khi vay vốn. “Trước kia công ty có hợp đồng mua hàng Brazil, có công chứng là ngân hàng đồng ý cho vay và chuyển tiền ra nước ngoài để mua hàng nhưng bây giờ lại đòi hỏi nhiều thủ tục”, lãnh đạo doanh nghiệp XNK nói.


Có thực tế là, nhiều doanh nghiệp “khỏe” được các ngân hàng mời chào vay vốn nhưng cũng có không ít doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất kinh doanh lại không được ngân hàng mở hầu bao vì thiếu tài sản thế chấp. Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vân Anh, kinh doanh mặt hàng thép, cho biết: Việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, nhất là các doanh nghiệp mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là khó khăn về điều kiện tài sản phải bảo đảm có giá trị cao hơn số vốn vay mà còn cần phải có báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế.


Để hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm, mới đây nhất NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ và mạnh dạn cho vay tín chấp (không có tài sản thế chấp). Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng: Mặc dù “bật đèn xanh” mạnh dạn cho vay tín chấp nhưng các ngân hàng vẫn đang dè dặt vì bài học kinh nghiệm nợ xấu vẫn còn đó. Hiện cho vay không dùng tài sản bảo đảm ước chiếm 30% tổng dư nợ ngắn hạn của các ngân hàng nên tín dụng chậm nhưng an toàn hơn là giải ngân ồ ạt mà rủi ro tăng.


Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thị Mùi, thời gian qua, giải pháp NHNN đưa ra khá trúng, đồng bộ. Bên cạnh giải pháp của NHNN thì các bộ, ngành khác trong đó có Bộ Tài chính nên tiếp tục miễn giảm thuế để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, tăng tổng cầu, tiếp cận vốn. “Có 2 vấn đề cần phải chú ý: Các NHTM, tổ chức tín dụng nên đặt mình vào khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp. Vì nếu chỉ đứng bên cạnh doanh nghiệp, ngoài lề của doanh nghiệp thì không giải quyết được.

Về việc ngân hàng mở rộng cho vay tín chấp thì cán bộ ngân hàng, cụ thể hơn là cán bộ tín dụng phải tinh thông nghiệp vụ, giỏi nghiệp vụ thẩm định, am hiểu về doanh nghiệp, trên cơ sở đó quyết món cho vay không nhất thiết có tài sản bảo đảm. Để cho vay tín chấp an toàn thì phải tăng cường, giám sát trước, trong và sau quá trình cho vay để dòng tiền đến đúng địa chỉ, đến hạn mới có điều kiện trả nợ”, bà Mùi nói.


Minh Phương

Khơi thông tín dụng cho sản xuất kinh doanh
Khơi thông tín dụng cho sản xuất kinh doanh

Mặc dù nguồn cung tín dụng khá dồi dào nhưng những tháng qua, tăng trưởng tín dụng vẫn không khả quan. Thực tế này cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn và việc khơi thông tín dụng đến với doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN