Đẩy nhanh tiến độ, thu mua toàn bộ dứa cho nông dân

Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, nhiều cánh đồng dứa trong vùng nguyên liệu có dứa bị chín nẫu, không đáp ứng được sản xuất. Tuy vậy, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn thu mua toàn bộ số dứa trên với giá theo cam kết.

Chú thích ảnh
Một công đoạn chế biến dứa của Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao.

Thời gian gần đây, giá dứa trên thị trường không ổn định đã tác động không nhỏ đến tâm lý người trồng dứa nguyên liệu trên địa bàn thành phố Tam Điệp và huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). 

Tuy nhiên, thực hiện nghiêm túc hợp đồng thu mua dứa, Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (thành phố Tam Điệp) đã đẩy nhanh tiến độ, thu mua toàn bộ sản phẩm đã ký kết. Qua đó, giải tỏa tâm lý cho người dân, giúp họ yên tâm trồng dứa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho quá trình sản xuất kinh doanh của công ty.

Những ngày đầu tháng 7, các đội thu mua dứa Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vẫn xuống từng vùng nguyên liệu để thu mua dứa, bất chấp cái nắng rát mặt của mùa hè. Đây là thời gian cao điểm của việc thu hoạch dứa nên không khí trên các cánh đồng dứa xanh ngút tầm mắt rôm rả hẳn lên. Người trồng dứa tươi cười phấn khởi trước một mùa bội thu, bởi sau những ngày lao động "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì đã đến lúc họ được hái quả ngọt.

Tại đội sản xuất Khe Gồi, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, anh Ngô Thanh Cương tỏ ra rất phấn khởi bày tỏ, năm nay người dân Tam Điệp lại thêm một mùa dứa bội thu nữa. Gia đình anh trồng 2,1 ha dứa với hai giống chủ đạo là Cayen và Queen, tất cả đều phục vụ cho các nhà máy của công ty. Từ nhiều năm trở lại đây, do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, nhân giống, chăm sóc và thu hái nên sản lượng và chất lượng dứa ngày càng nâng lên.

Dự kiến, chính vụ năm nay, gia đình anh thu hoạch trên 100 tấn dứa các loại để bán cho công ty. Gắn bó với cây dứa hàng chục năm nay, anh Cương cho biết, với vùng đồi núi này thì không có cây trồng nào phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao như cây dứa được. Do vậy, gia đình anh hết sức yên tâm trước các kế hoạch sản xuất hàng vụ, hàng năm của công ty. Có thời điểm giá dứa thị trường rớt thảm hại, công ty vẫn thu mua với giá trong hợp đồng cam kết, thậm chí còn hỗ trợ thêm cho nông dân để bù vào chi phí sản xuất.

Dọc tuyến đường chính dẫn qua các cánh đồng dứa Khe Gồi, nơi mà người người trồng dứa, nhà nhà trồng dứa có rất nhiều ngôi nhà mái bằng kiên cố, khang trang. Nhiều người dân cho biết đây là thành quả xứng đáng cho người nông dân sau nhiều năm gắn bó với nghề trồng dứa và các loại cây trồng cung ứng cho công ty.

Ông Nguyễn Văn Giang, Đội trưởng Đội sản xuất Khe Gồi bộc bạch, ở đây, nhiều gia đình có truyền thống gắn bó với công ty, có những gia đình có 3 thế hệ làm việc hoặc cung ứng nguyên liệu cho công ty.

Với vai trò là Đội trưởng Đội sản xuất, và trên cơ sở nghị quyết, ông Giang phải lên kế hoạch trồng, kế hoạch tiêu thụ dứa cho từng hộ. Hàng chục vụ dứa đã qua, có những thời điểm giá dứa được đẩy lên cao bất thường, cũng như những lúc giá dứa rớt thảm hại, nhưng với kế hoạch thu mua chi tiết, cụ thể nên quyền lợi của các hộ sản xuất đều được bảo đảm.

Theo ông Giang, toàn đội hiện có 184 hộ sản xuất với 342 ha chuyên trồng dứa, hộ nào ít thì trồng từ 2 đến 3 ha, hộ nhiều thì có tới 13 đến 15 ha. Các hộ sản xuất: Quách Thái Thụy, Nguyễn Thị Lan, Phạm Thị Tý... đều có trong tay trên chục ha dứa. Với mức giá như hiện nay, mỗi hộ sản xuất có thể thu về từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm từ dứa.

Do đã thành thông lệ, thành thói quen trong sản xuất nông nghiệp nên người dân tại đây, từ người già đến thế hệ trẻ đều nắm bắt rất rõ về khung thời vụ, cũng như đặc tính của cây dứa. Vậy nên, dù có bận đến mức nào thì người dân cũng phải dành ra 3 tháng 6, 7, 8 trong năm cho cây dứa. Ông Giang cho biết, đây là khoảng thời gian cao điểm của việc thu hoạch dứa trong năm nên hầu như mọi nhân lực của các hộ sản xuất đều tập trung cho loại cây trồng này.

Trực tiếp chỉ đạo công tác thu mua dứa trên cánh đồng, ông Trần Hữu Chiểu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, vào chính vụ dứa, công ty phải lên kế hoạch thu mua cụ thể cho từng Đội sản xuất, thậm chí từng cánh đồng dứa cho người dân. Bởi, hiện nay nguồn nguyên liệu dứa của công ty trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trải dài từ thành phố Tam Điệp tới huyện Nho Quan với 11 đội sản xuất, tương ứng khoảng 1.500 hộ. Hiện nay, phần lớn diện tích trồng dứa đều được ký kết hợp đồng thu mua chặt chẽ giữa công ty và người nông dân.

Do vậy, việc lên kế hoạch thu mua càng chi tiết bao nhiêu thì quá trình thu mua nguyên liệu càng thuận lợi bấy nhiêu, thậm chí kế hoạch thu mua được công ty lập theo từng ngày. Qua theo dõi chất lượng dứa từ đầu vụ đến nay, ông Chiểu cho biết, hầu hết dứa của người dân đều đạt chất lượng tiêu chuẩn loại 1, được thu mua với giá từ 3.300 đến 3.500 đồng/kg. Đây cũng là giá dứa ổn định được công ty thu mua trong nhiều vụ trở lại đây.

Với truyền thống sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trong hàng chục năm qua, bên cạnh việc mở rộng diện tích trồng dứa phục vụ nhu cầu sản xuất, công ty luôn đề cao quyền lợi và hiệu quả sản xuất của người nông dân.

Theo ông Đinh Cao Khuê, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, hiện nhu cầu dứa nguyên liệu (giống dứa Cayen và Queen) của công ty dao động khoảng 25.000 tấn/năm với vùng nguyên liệu trên 3.200 ha trải dài từ Ninh Bình đến Quảng Trị; trong đó, vùng trồng Ninh Bình có diện tích lớn nhất với khoảng 80% diện tích của toàn vùng nguyên liệu. Có khoảng 99% các hộ trồng dứa trong vùng nguyên liệu đều ký kết hợp đồng cung ứng với Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người trồng dứa, hàng năm Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đều tổ chức hội nghị người lao động và đưa ra nghị quyết cụ thể cho từng vụ thu mua dứa, trong đó thu mua dứa chính vụ từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm. Nghị quyết được đưa ra tại hội nghị được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để thực hiện việc thu mua dứa, đề cập cụ thể đến diện tích thu mua, chất lượng sản phẩm và giá thành nguyên liệu. Đây được xem như căn cứ để bình ổn giá dứa nguyên liệu, tạo sự yên tâm và gắn bó lâu dài giữa các hộ trồng dứa với công ty.

Cũng theo ông Khuê, đáp lại những chính sách ưu tiên thu mua dứa trong hợp đồng ký kết trực tiếp giữa công ty với hộ sản xuất, các hộ dân đã thực hiện nghiêm cam kết cung ứng dứa phục vụ quá tình sản xuất kinh doanh của công ty.

Chú thích ảnh
Nông dân Tam Điệp thu hoạch dứa chính vụ.

Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, nhiều cánh đồng dứa trong vùng nguyên liệu có dứa bị chín nẫu, không đáp ứng được sản xuất. Tuy vậy, công ty vẫn thu mua toàn bộ số dứa trên với giá theo cam kết, động thái này của công ty đã tác động tốt đến tâm lý của người trồng dứa, khiến họ yên tâm và gắn bó lâu dài với công ty.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, giá trị sản xuất bình quân của các hộ trồng dứa nhiều năm qua luôn đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm, cao gần gấp đôi giá trị sản xuất bình quân/ha của cả tỉnh.

Bài và ảnh: Đức Phương (TTXVN)
Dứa lai được mùa nhưng giá thấp, người dân điêu đứng
Dứa lai được mùa nhưng giá thấp, người dân điêu đứng

Những ngày này, người dân huyện vùng sâu Krông Bông tỉnh Đắk Lắk đang thu hoạch vụ dứa. Khác với mọi năm được mùa, được giá, năm nay giá dứa xuống rất thấp khiến người trồng dứa “điêu đứng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN