Nhiều dự án chưa chọn được nhà đầu tư và chậm tiến độ
Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo Quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất các dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Trong đó, tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng khí khai thác trong nước là 7.900 MW (10 dự án), tổng công suất nhà máy điện khí sử dụng LNG là 22.524 MW (13 dự án).
Cục trưởng Tô Xuân Bảo cho biết, trên cơ sở nội dung cuộc họp ngày 12/4/2024 và Kết luận của Bộ trưởng tại Thông báo số 94/TB-BCT ngày 12/4/2024, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các dự án điện khí đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư vẫn chưa có nhiều tiến triển, đặc biệt là 3 dự án Cà Ná, Nghi Sơn, Quỳnh Lập với tổng công suất 4.500 MW vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư.
Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư như Hải Lăng giai đoạn 1, Quảng Ninh vẫn chưa hoàn thiện FS theo ý kiến thẩm định của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để trình lại Bộ Công Thương thẩm định. Dự án LNG Bạc Liêu, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn 2 chưa hoàn thành công tác đàm phán PPA; Dự án Long An I và II chưa hoàn thành công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt FS; 2 dự án BOT Sơn Mỹ I, BOT Sơn Mỹ II: các chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện FS theo quy định để đủ điều kiện phê duyệt.
Đối với dự án Nhà máy điện NT3&4, đã có tiến triển trong công tác thi công, đã hoàn thành công tác nhận điện ngược từ đường dây 220 kV vào SPP 220 kV Nhà máy điện NT3. Cùng đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai đã tích cực chỉ đạo để giải quyết các tồn tại còn lại trong công tác thuê đất…
Đối với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương, Cục trưởng Tô Xuân Bảo cho biết, đơn vị đã tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, Cục đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, xin ý kiến các cơ quan liên quan theo quy định để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương có dự án, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị liên quan đã báo cáo về tiến độ triển khai dự án, các khó khăn đang gặp phải trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc đàm phán ký kết các hợp đồng; tiến độ giải phóng mặt bằng tại các địa phương; một số địa phương chưa thể đàm phán, ký kết Thỏa thuận đấu nối cho dự án do chưa xác định được chủ đầu tư các dự án đường dây truyền tải để giải tỏa công suất; các đề xuất ưu đãi, đảm bảo đầu tư của nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành…
Báo cáo tiến độ các dự án điện khí chưa lựa chọn được nhà đầu tư, ông Trịnh Minh Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, cùng với đơn vị tư vấn tỉnh đã thông qua hồ sơ đấu thầu, tuy nhiên còn một số nội dung vướng mắc. Đầu tháng 6/2024 tỉnh sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu, ngoài ra tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo nhằm đạt được tiến độ đề ra. Hiện có 6 nhà thầu liên danh quan tâm dự án đang gửi hồ sơ đấu thầu.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có dự án LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 với 1.500 MW, đến nay dự án đã hoàn thành việc phê duyệt 5 thỏa thuận chuyên ngành, còn 13 thỏa thuận chuyên ngành chưa được cấp có thẩm quyền thỏa thuận... Nguyên nhân đến từ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, phao tín hiệu, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chưa phê duyệt; vướng mắc trong việc ký kết thỏa thuận phương án đấu nối...
Để đảm bảo tiến độ dự án, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung liên quan như: Về thỏa thuận đấu nối dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào hệ thống điện quốc gia; về hợp đồng mua bán điện; về chuyển ngang giá LNG sang giá điện; về hợp động mua nhiên liệu LNG...
Về phía chủ đầu tư, các chủ đầu tư cũng khẳng định, sẽ đồng hành cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ của các dự án điện khí.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo kế hoạch, đến năm 2030 cả nước sẽ có 21 dự án điện khí nằm trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, với khoảng 34.000 MW công suất phải đi vào vận hành, phát điện.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, liên quan đến đường dây truyền tải, EVN rất quan tâm đến tiến độ của các nhà máy điện khí. EVN đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đường dây truyền tải do EVN làm chủ đầu tư, bảo đảm đồng bộ với tiến độ các dự án nguồn điện để kịp thời giải tỏa công suất cho các nhà máy điện.
Tương tự, đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương triển khai thực hiện chuỗi dự án điện khí Lô B và các dự án điện Ô Môn III, Ô Môn IV; đang khẩn trương hoàn thiện, ký kết hợp đồng cho các dự án điện sử dụng khí Lô B. Cùng đó, PVN cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai thực thiện các dự án điện, khí đã được giao làm chủ đầu tư để sớm đưa vào vận hành.
Cùng với đó, đại diện PVN cũng cho biết, PVN đang tích cực, đẩy nhanh các buổi làm việc với địa phương, để xây dựng trung tâm khí tại Vũng Áng (Quảng Bình) để cung cấp nguồn khí cho các địa phương xung quanh, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án cũng như đảm bảo đủ nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất.
Qua báo cáo của các địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cho thấy tiến độ của các địa phương rất chậm (trừ dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3,4 dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay và đầu năm 2025) thì nhiều dự án còn chưa lựa chọn được chủ đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia và có thể vỡ quy hoạch điện đến 2030 tầm nhìn 2050.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, các dự án điện khí có vai trò đặc biệt quan trọng trong Quy hoạch điện VIII và an ninh năng lượng quốc gia.
“Đây là nguồn điện nền và có phát thải thấp, vì vậy nếu để chậm tiến độ thì hậu quả khôn lường cho an ninh năng lượng quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Theo Bộ trưởng, trong 21 dự án điện khí thì có tới 3/4 dự án có trong Quy hoạch Điện VII và Điện VII điều chỉnh. Do đó, Ban chỉ đạo quốc gia đã có nhiều cuộc làm việc với địa phương và nhà đầu tư thảo luận tìm giải pháp khắc phục. "Đến nay, tiến độ thực hiện theo quy hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rất chậm, đa phần dự án chậm so với kế hoạch vẫn chậm 9 -12 tháng. Nếu điều này tiếp tục diễn ra thì ảnh hưởng an ninh năng lượng và vỡ Quy hoạch Điện VIII”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lo ngại.
Vì vậy, để đảm bảo tiến độ các dự án theo Quy hoạch đã được duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu một số địa phương chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư, phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng tinh thần thông báo 94/TB-BCĐ ngày 12/4/2024 của Ban chỉ đạo Quốc gia và cơ quan thường trực là Bộ Công Thương.
Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương trên yêu cầu nhà đầu tư ngay sau khi được lựa chọn phải gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định để trình phê duyệt FS (báo cáo phân tích chi tiết tất cả các khía cạnh quan trọng của một dự án được đề xuất để xác định khả năng thành công của dự án) và triển khai các bước tiếp theo, để bảo đảm trước năm 2029 cả 3 dự án này đều phải được phát điện thương mại, cung cấp điện cho Quốc gia…
Với tỉnh, thành phố đã lựa chọn nhà đầu tư và địa phương đang triển khai, Bộ trưởng yêu cầu cấp uỷ chính quyền chỉ đạo các Sở ngành khẩn trương đánh giá thực hiện, chỉ rõ nguyên nhân, chủ động tháo gỡ vướng mắc theo trách nhiệm, đồng thời báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc
“Yêu cầu các địa phương, nhà đầu tư báo cáo trước ngày 25/6/2024 để chúng tôi báo cáo bức tranh tổng quan lên Chính phủ. Các địa phương cần dựa vào tiến độ cam kết của chủ đầu tư để đôn đốc, xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư. Sẽ có chế tài xử lý nghiêm với chủ đầu tư chậm tiến độ, thậm chí có thể xem xét thu hồi dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, trong thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án.