Davos 2015 - Tháo gỡ thách thức, hướng tới tương lai

Hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp, chính trị gia hàng đầu thế giới, giới trí thức và các nhà báo đã tới Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 45 để thảo luận biện pháp tháo gỡ những thách thức hiện nay và tìm ra những ý tưởng phát triển mới cho nền kinh tế thế giới.

Với chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới", chương trình nghị sự hội nghị năm nay gồm 280 phiên họp thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, các vấn đề xã hội đến môi trường, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của Internet đến sự phát triển hệ thống tài chính...

WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo ở mức 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm 2015. Kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, trong đó nền kinh tế Mỹ dẫn đầu về tốc độ phục hồi. Cuộc khủng hoảng ở châu Âu đã dịu bớt với nợ của các hộ gia đình đang có chiều hướng giảm. Một số quốc gia, đặc biệt là Tây Ban Nha, Ireland và Latvia, đã đạt được những tiến bộ đáng kể về cải cách cơ cấu, khôi phục tài chính công và hệ thống ngân hàng. Thâm hụt tài chính của Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) cũng có thể sẽ giảm xuống dưới mức 3% vào năm 2015.

Lực lượng an ninh Thụy Sĩ giám sát trên nóc khách sạn Davos trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015.


Giới phân tích cho rằng việc giá dầu giảm và các ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp (thậm chí tiến hành nới lỏng định lượng) sẽ tạo cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ toàn cầu không đồng bộ, như những biến động của đồng franc (Thụy Sĩ) trước thời điểm diễn ra WEF, cũng có thể tạo ra sự bất ổn trên thị trường tiền tệ, nhất là đối với các nền kinh tế mới nổi. Dòng vốn rất khó có thể kiểm soát, chưa kể đến các tác động phụ không mong muốn do các chính sách mới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hay Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Cũng như thời điểm diễn ra Davos 2014, những lo ngại về rủi ro kinh tế kinh niên như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính,... cũng không hề giảm bớt trong giới chính trị gia, các nhà kinh tế và giới kinh doanh hiện đang tập trung tại Davos. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nhận xét: Một số nền kinh tế chủ chốt vẫn còn phải vật lộn với tình trạng giảm phát và vẫn còn đó hơn 200 triệu người thất nghiệp. Các nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị mắc kẹt trong một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít tạo thêm được việc làm.

Theo Dominic Waughray, phụ trách lĩnh vực Đối tác Công-Tư của WEF, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai - cho dù ở các nước công nghiệp hay các nước đang phát triển - sẽ thành công hơn nếu chú trọng đến việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, giảm lượng khí thải hoặc tăng cường khả năng phục hồi trước những rủi ro khí hậu sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh mới này, các chiến lược để thúc đẩy tăng trưởng và đối phó với biến đổi khí hậu cần được đan xen và hòa quyện với nhau. Đối với các nền kinh tế công nghiệp phát triển cũng như các nền kinh tế đang phát triển, các hành động về khí hậu, phát triển và tăng trưởng cần phải đi đôi với nhau. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của WEF nhằm cải thiện tình trạng của thế giới thông qua hợp tác công-tư. Davos 2015 hướng tới việc giúp giới lãnh đạo chính trị, kinh doanh hiểu bối cảnh mới hơn để có những hành động phối hợp thiết thực về biến đổi khí hậu, phát triển và tăng trưởng bền vững.

Trong khi nhiều nước vẫn phải nỗ lực phục hồi động lực tăng trưởng, các cuộc thảo luận khác lại xoay quanh việc tái phân phối của cải. Bất bình đẳng được cho là đe dọa tiến trình chống nghèo đói trên thế giới, ảnh hưởng đến sự đoàn kết dân tộc và mục tiêu dân chủ. Chính phủ các nước cần điều chỉnh nhằm mang lại lợi ích cho tất cả các nhóm trong xã hội. Các doanh nghiệp cũng có một vai trò hết sức quan trọng, thông qua việc đầu tư vào đổi mới và những tài năng cần thiết nhằm tạo ra công ăn việc làm có chất lượng cao và nâng cao mức sống của người dân. Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị, an ninh, sức khỏe cũng là những vấn đề đáng quan ngại, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây ở mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi, vấn đề vũ khí hạt nhân ở một số quốc gia và các vụ tấn công đẫm máu vừa xảy ra ở Pháp.


WEF 2015 là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và học giả thảo luận về bối cảnh quốc tế mới, đồng thời khuyến nghị các biện pháp cải thiện quản trị toàn cầu nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Quan hệ giữa Việt Nam và WEF gần đây đã có những bước phát triển tích cực. Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên WEF và Giám đốc điều hành WEF Philipp Rosler đã sang thăm Việt Nam tháng 11/2014. WEF đánh giá cao vai trò của Việt Nam là một nền kinh tế năng động tại Đông Á, thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác khu vực quan trọng như ASEAN, coi trọng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá quốc gia.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự WEF 2015 nhằm tìm hiểu, thảo luận với các nhà lãnh đạo thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu; thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc song phương bên lề.


Tố Uyên
(P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 24 năm
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 24 năm

GDP của Trung Quốc trong năm 2014 tăng 7,4%, không đạt mục tiêu đề ra và là mức tăng thấp nhất trong 24 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN